Hà Nội sẽ có dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô từ 50ha trở lên

Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2021 sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án quy mô từ 50ha trở lên...
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trước những khó khăn liên quan đến việc lập quy hoạch và cải tạo xây dựng các dự án nhà ở, mới đây, cử tri thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu, tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các Luật Quy hoạch, Xây dựng và Nhà ở khi giao chủ đầu tư dự án; tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

Tháo gỡ mâu thuẫn giữa các Luật

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng luôn được Bộ Xây dựng tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội để tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế.

Tuy nhiên, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo trình tự, nội dung, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Hiện Bộ Xây dựng đang chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nhà ở… làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó bao gồm việc nghiên cứu tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án.

Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch, đại diện Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành) đã quy định đối với nội dung này.

Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần căn cứ Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật hiện hành có liên quan để xây dựng các biện pháp thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung

Liên quan đến việc thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, hiện thành phố Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển quỹ nhà ở xã hội theo nguyên tắc: cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn thành phố để hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thành phố Hà Nội chọn thí điểm một số công trình, dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của thành phố Hà Nội trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.

[Bộ Xây dựng: Chủ động sàng lọc dự án treo, xử lý nghiêm dự án lừa đảo]

Gần đây, ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng cũng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập như: bổ sung quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung khái niệm “dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng: cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi.

Hà Nội sẽ có dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô từ 50ha trở lên ảnh 1Khu nhà ở xã hội tại Xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cùng với đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư;...

Ngoài ra, trong năm 2021, Bộ Xây dựng cũng sẽ tích cực phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án nhà ở xã hội độc lập có quy mô lớn (từ 50ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Cải tạo nhà chung cư cũ, nguy hiểm

Về đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm, đại diện Bộ Xây dựng cho biết ngày 14/10/2020, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4996/BXD-QLN góp ý cụ thể các nội dung trong Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất tại Văn bản số 3471/UBND-ĐT. Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần chủ động triển khai thực hiện đề án trên cơ sở góp ý của Bộ Xây dựng.

Hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý II/2021.

Do đó, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của thành phố Hà Nội nêu trong đề án, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, phía Bộ Xây dựng cũng lưu ý rằng Hà Nội là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng về địa chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Vì thế, Bộ Xây dựng luôn dành sự hỗ trợ tốt nhất cho thành phố trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.