Ngoài quy định phân thành 2 vùng hoạt động để điều tiết nhằm bảo đảm không quá nhiều xe taxi tập trung tại khu vực trung tâm gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng quy định 5 màu sơn chung dành cho xe taxi.
Đây là nội dung chính đang được Sở Giao thông Vận tải đang khẩn trương tổng hợp các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét và dự kiến ban hành ngay trong năm 2019.
Theo đó, từ năm 2019-2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình.
Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổng hợp ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân và đã được Hiệp hội taxi Hà Nội đồng tình ủng hộ đưa ra 5 màu sơn cơ bản gồm vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi. Đây là 5 màu chủ đạo của xe taxi hiện đang được các hãng taxi trên địa bàn thành phố sử dụng.
Đối với vùng phục vụ, Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi cũng đưa ra biển số xe hoạt động theo vùng (vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội), màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca…
Ngoài ra, trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%.
[Grab ủng hộ taxi truyền thống chuyển mô hình sang xe công nghệ]
Nhìn nhận mô hình hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993, theo ông Hà, sau hơn 20 năm phát triển, hiện nay số lượng phương tiện taxi lên tới trên 19.200 xe của 73 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đánh giá hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân, tuy nhiên, ông Hà cho rằng, loại hình vận tải này đang bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng cung ứng dịch vụ thấp; giá dịch vụ cao và ít thay đổi so với biến động của thị trường và cao so với chất lượng cung ứng dịch vụ; chưa tạo ra được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại của Thủ đô.
“Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, việc xây dựng quy chế taxi là cần thiết góp phần tạo nét văn minh của Thủ đô,” ông Hà nhấn mạnh.
Dự thảo cũng nêu rõ, để đảm bảo công bằng trong kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Hà Nội sẽ thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn thành phố do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng, điều hành, thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm.
Bày tỏ sự đồng thuận với các quy định của dự thảo quản lý taxi của Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Hà Nội đưa ra quy chế này sẽ quản lý được tất cả các loại hình, trong đó có cả taxi công nghệ, đảm bảo các loại hình đã kinh doanh vận tải là phải tuân thủ các điều kiện quản lý của Nhà nước.
“Việc thành lập tổng đài chung, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi vào ứng dụng của taxi Hà Nội bởi xung quanh họ sẽ hiển thị tất cả các hãng và khách hàng có quyền lựa chọn hãng nào, giá thời điểm đi là bao nhiêu thay vì việc chỉ vào ứng dụng của một doanh nghiệp taxi như hiện tại,” ông Hùng nhấn mạnh./.