Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng tay chân miệng tăng

Từ đầu năm đến ngày 13/5, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 95 trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng tay chân miệng tăng ảnh 1Phun thuốc phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 13/5, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 95 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng.

Hiện trên địa bàn thành phố đã có 356 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, riêng trong tuần từ ngày 6-13/5, trên địa bàn ghi nhận 75 trường hợp mắc; 85 trường hợp mắc sởi; 20 trường hợp mắc ho gà...

Trong tuần từ ngày 6 -13/5, trên địa bàn Hà Nội không ghi nhận các dịch bệnh như dại, liên cầu lợn, não mô cầu, đồng thời cũng không ghi nhận các trường hợp cúm nguy hiểm như cúm A (H5N6), cúm A (H7N9) và các dịch bệnh xâm nhập khác như MERS-CoV, vi rút Ebola, bệnh do virus Zika...

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

[Hà Nội: Số ca mắc sởi gia tăng, một bệnh nhi 4 tuổi tử vong]

Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố. Để chủ động phòng chống bệnh này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương và người dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, đặc biệt lưu ý triển khai thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, bên cạnh công tác phòng chống dịch, các địa phương cần thực hiện tốt công tác tiêm chủng các loại vắcxin để chủ động phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản...

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch, ngăn ngừa bệnh bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục