Hà Nội: Người dân khi test nhanh mắc COVID-19 cần liên hệ với y tế

Hà Nội: Số ca nặng tăng, cần báo y tế khi có xét nghiệm dương tính

Hà Nội đang theo dõi và điều trị cho tổng cộng 20.288 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn. Con số này đã tăng 13,8% so với trung bình 7 ngày trước đó.
Hà Nội: Số ca nặng tăng, cần báo y tế khi có xét nghiệm dương tính ảnh 1Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu test nhanh cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập căn cứ tình hình dịch bệnh, chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung vào công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế Hà Nội, địa phương khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính cần nhanh chóng cần khẩn trương thực hiện công tác cách ly điều trị, điều tra, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

[Hướng dẫn xác định ca mắc COVID và khỏi bệnh bằng test nhanh]

Các đơn vị có liên quan thực hiện tư vấn, hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch, tránh tình trạng người dân tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn của y tế hoặc tự di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là với người dân tự xét nghiệm COVID-19 cần khuyến cáo khi tự thực hiện test nhanh có kết quả dương tính cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được tư vấn. Thông qua đó giúp cho y tế địa phương phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.

Các đơn vị có liên quan thông báo số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Tổng đài 1022 về việc tư vấn, hướng dẫn người mắc COVID-19 để người dân thực hiện liên hệ và được cung cấp thông tin kịp thời.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo các trạm y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương.

Số ca mắc COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến nay là 43.137 ca.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 43.277 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 15.440 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 27.837 ca. Tổng số người thiệt mạng vì đại dịch này của Thủ đô là 109.

Số bệnh nhân F0 diễn biến nặng tăng

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội đang theo dõi và điều trị cho tổng cộng 20.288 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn. Con số này đã tăng 13,8% so với trung bình 7 ngày trước đó.

Sau khi triển khai theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà, Hà Nội đang có 10.347 trường hợp được điều trị ở nơi cư trú, chiếm hơn 50% tổng ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Có 5.092 trường hợp đang được điều trị tại khu cách ly và 4.789 người phải được chăm sóc tại các bệnh viện trên địa bàn.

Trong số F0 được điều trị tại bệnh viện, 3.050 F0 của Hà Nội ở thể nhẹ và không xuất hiện triệu chứng (chiếm khoảng 63%). Nhóm mắc bệnh ở mức độ trung bình có tổng cộng 1.428 người.

Số bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội hiện nay là 311 trường hợp, chiếm 6,5%. Con số này đã tăng 19,6% so với trung bình 7 ngày trước đó. Kết quả này cũng là hệ lụy tất yếu khi số ca mắc mới của thành phố đã tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.

Trong số bệnh nhân diễn biến nặng, 268 trường hợp đang phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 người thở oxy dòng cao (HFNC), 9 ca thở máy không xâm lấn và 24 người thở máy xâm lấn.

Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine COVID-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Mỗi cơ sở tiếp nhận, điều trị COVID-19 phải sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển độ.

Sở Y tế Hà Nội đặc biệt yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, đảm bảo F0 được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Sau khi sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến nay, 99,21% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Thành phố cũng đã bắt đầu tổ chức tiêm chủng mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho người dân trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục