Hà Nội: Sớm thanh tra để thu hồi những dự án đất chậm trễ

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị huyện Ba Vì phối hợp với các sở, ngành thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra và thực hiện thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai.
Hà Nội: Sớm thanh tra để thu hồi những dự án đất chậm trễ ảnh 1(Ảnh minh họa: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngày 10/5, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội với hai huyện Ba Vì và Hoài Đức về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện phối hợp với các sở, ngành thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra và thực hiện thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Ba Vì là huyện có diện tích lớn, công tác quản lý đất, nhất là đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập, phát sinh sai phạm.

Theo ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, hiện nay trên địa bàn huyện có 5 dự án chậm triển khai do chậm giải phóng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch dự án, bao gồm dự án xây dựng nhà máy sản xuất carton sóng, nhà máy sản xuất cấu kiện bêtông đúc sẵn, nhà máy sản xuất linh kiện ôtô và máy nông nghiệp (xã Cam Thượng), dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (thuộc 3 xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An), dự án nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng giai đoạn 1 (xã Phú Sơn, Thái Hòa).

Các dự án chậm triển khai hầu hết đều do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, dự án xây dựng nhà máy sản xuất carton sóng tại xã Cam Thượng, dự án xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bêtông đúc sẵn và dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện ôtô và máy nông nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây ký quyết định giao đất từ năm 2008, đến nay đều chưa hoàn thành do chậm giải phóng mặt bằng.

Dự án nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng giai đoạn I được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quyết định giao đất từ tháng 2/2011 với diện tích gần 204ha, đến nay mới giải phóng mặt bằng được gần 72ha, còn hơn 132ha đang tiếp tục tiến hành.

[Hà Nội: Cung điện thờ thiên 'mọc' trên đất nông nghiệp không phép]

Riêng dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên trên địa bàn 3 xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên điện tích gần 160ha, tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch dự án vẫn chưa hoàn thành, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kiến nghị thành phố xem xét năng lực nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện thì giao cho đơn vị khác phụ trách.

Đối với huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 31 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đã có quyết định thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay các dự án đều chậm triển khai, do năng lực chủ đầu tư yếu. Ngoài ra, có 33 đồ án quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất.

Các dự án quy hoạch này trước đây được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây phê duyệt, chủ yếu trong hai năm 2007 và 2008. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quy hoạch chung Thủ đô cùng quy hoạch phân khu đô thị, các dự án phải thực hiện điều chỉnh theo quy định. Hiện chủ đầu tư các dự án đang triển khai thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Khẳng định lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác sử dụng nguồn lực về đất là vấn đề khó, được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Hội đồng Nhân dân thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, các cơ quan thành phố quan tâm, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, tiến hành các thủ tục thu hồi đất và bàn giao cho đơn vị khác khi chủ đầu tư không đủ năng lực, tuy nhiên tiến độ triển khai một số dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách vẫn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các huyện Ba Vì và Hoài Đức nhanh chóng rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án chậm triển khai, nếu có sai phạm thì kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị các huyện chủ động thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý đất đai trên địa bàn; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch các dự án triển khai trên địa bàn để nhân dân biết và giám sát.

Ngoài ra, yêu cầu các sở, ngành thành phố phối hợp tổng hợp ý kiến kiến nghị của các huyện và tiến hành rà soát nguồn gốc đất, báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố để thực hiện thu hồi các dự án nếu vi phạm Luật Đất đai, chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.