Ngày 12/12, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế Thành phố Hà Nội về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc COVID-19 và cho người bệnh ra viện.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn số 666/SYT-NVY ngày 05/12/2021 của Sở Y tế Thành phố Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng ngày một tăng.
[Hà Nội lập đỉnh mới: 895 ca mắc COVID, có 357 ca cộng đồng]
Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà ban hành kèm theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021 để xác định ca bệnh theo hướng dẫn gồm: trường hợp bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định số 4689/QĐ-Bộ Y tế, ngày 6/10/2021 của Bộ Y tế) hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR.
Trường hợp bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021) có kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế).
Những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện).
Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, Bộ Y tế nêu rõ đối với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày; kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Đối với người bệnh COVID-19 nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị, với người bệnh COVID-19 đơn thuần có các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Người bệnh cần tuân thủ thông điệp 5K.
Đối với người bệnh COVID-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo có các triệu chứng lâm sàng của bệnh COVID-19 hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép) thì người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Người bệnh cần tuân thủ thông điệp 5K.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả về Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp./.