Hà Nội thống nhất "xóa sổ" bến xe Lương Yên trước ngày 30/7

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bến xe Lương Yên sẽ dừng hoạt động trước ngày 30/7 tới. Đa số, doanh nghiệp và đơn vị vận tải đều thống nhất chủ trương điều chuyển.
Hà Nội thống nhất "xóa sổ" bến xe Lương Yên trước ngày 30/7 ảnh 1Bến xe Lương Yên sẽ dừng hoạt động trước ngày 30/7 tới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bến xe Lương Yên sẽ dừng hoạt động trước ngày 30/7 tới. Sở đã họp 3 lần với doanh nghiệp quản lý bến xe và 52 đơn vị đang khai thác vận tải liên tỉnh ở Lương Yên. Đa số, doanh nghiệp và đơn vị vận tải đều thống nhất chủ trương điều chuyển.

Tại cuộc họp chiều 29/6, ông Viện cho biết, theo đề nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội và các Hiệp hội vận tải địa phương khác cũng đều thống nhất phương án điều chuyển xe ra khỏi bến Lương Yên đồng thời đề nghị sớm công bố phương án di dời để các doanh nghiệp ổn định hoạt động.

“Phương án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra là sẽ điều chuyển một phần về bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa. Khi thay đổi luồng tuyến hoạt động từ nhiều năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như một bộ phận nhân dân ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thấy rằng, bến xe Lương Yên nằm trong quy hoạch phải giải tỏa và hiện đã đến thời điểm để giải tỏa. Phương án hỗ trợ đã có, để tổ chức cho nhân dân đi lại, cố gắng lựa chọn những bến xe có điều kiện tương đồng để bố trí, tăng cường kết nối xe buýt để đảm bảo sự đi lại của nhân dân,” ông Viện giải thích.

Liên quan đến lo ngại về khó khăn của doanh nghiệp cũng như việc xuất hiện “bến cóc, xe dù”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, phía Sở đã lên phương án phối hợp với Công an Hà Nội để hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Nhấn mạnh đến việc sắp xếp luồng tuyến vận tải liên tỉnh cố định tại các bến xe của Hà Nội nhằm hạn chế các luồng tuyến đi xuyên tâm, tuyến vành đai... ông Viện bày tỏ quan điểm việc làm này là từng bước sắp xếp lại một cách hợp lý, khoa học nhằm giảm ùn tắc giao thông trên một số trục như đường Phạm Hùng, vành đai 3 trên cao... Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, lấy ý kiến của doanh nghiệp có nguyện vọng vào các bến xe còn khả năng tiếp nhận.

Ngoài ra, ông Viện thông tin thêm, dựa vào quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải đã rõ luồng tuyến; điều chuyển dần từng bước, tạo thói quen đi lại cho nhân dân; xác định phương án và lộ trình điều chuyển trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, đưa ra 3 giai đoạn sắp xếp.

Trong đó, giai đoạn 1 điều chuyển các tuyến xe đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Đắk Lắc, với 76 lượt về bến Ngước Ngầm, giai đoạn 2 điều chuyển đi Thanh Hóa về Nước Ngầm, và giai đoạn 3 là tiếp tục rà soát các tuyến khác.

“Sở Giao thông Vận tải đã xin ý kiến của đơn vị liên quan, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thống nhất phương án này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận hành trên tuyến chưa thống nhất vì ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nhân dân đang đi quen, nếu thay đổi thì khó khăn cho người dân phải di chuyển từ Mỹ Đình về Nước Ngầm,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đã có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến này và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất phương án và chủ trương của Sở sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải khách tuyến cố định đồng thời đề nghị Hà Nội làm việc với các doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố để thống nhất phương án, trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt lại quy hoạch.

“Mục tiêu cao nhất của Hà Nội là giảm ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông, một trong những phương án được các ngành thống nhất là điều chuyển sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh. Sở Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với các tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh ủng hộ chủ trương của thủ đô để đảm bảo ít xáo trộn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp,” ông Viện khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục