Hà Nội: Thông xe cây cầu dây văng nhiều nhịp nhất Việt Nam

Cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô đã chính thức được thông xe và đưa vào khai thác.
Hà Nội: Thông xe cây cầu dây văng nhiều nhịp nhất Việt Nam ảnh 1Các phương tiện đã chính thức được lưu thông trên cầu Nhật Tân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sáng nay (ngày 4/1), công trình cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-sân bay Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) vừa được thông xe và trở thành một biểu tượng mới về giao thông của Hà Nội.

Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Cầu có chiều dài 8,9km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.

Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…

Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân-Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1km.

Ông Akihiro Ohta, Bộ trưởng Bộ đất đai cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cho biết, việc hoàn thành dự án giúp cải thiện giao thông sân bay Hà Nội và cải thiện giao thông phía Bắc Thủ đô.

“Chính ngày hôm nay, cây cầu hữu nghị Việt-Nhật mới đã được hoàn thành và thông xe. Cây cầu này cũng chính là tình cảm giữa hai nước,” ông Akihiro Ohta nói.

Tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-sân bay Nội Bài, nhà ga T2 nối liền trung tâm thành phố và sân bay là biểu trưng cho tình hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

“Tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với các tuyến hướng tâm, nội đô. Sau khi hoàn thành, tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, giúp cải thiện giao thông khu vực Bắc Thăng Long-Nội Bài, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng,” Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Hà Nội: Thông xe cây cầu dây văng nhiều nhịp nhất Việt Nam ảnh 2Cắt băng thông xe cầu Nhật Tân. (Ảnh; Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, cầu Nhật Tân là cầu dây văng nhiều nhịp được xây dựng đầu tiên ở nước ta. Theo quy hoạch, tuyến đường nối Nhật Tân-sân bay Nội Bài sau khi được thông xe sẽ là trục không gian kiến trúc và cảnh quan của Thủ đô.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 85, nhân dân địa phương có cây cầu đi qua, nhà thầu, tư vấn giám sát khắc phục khó khăn để triển khai dự án áp dụng công nghệ mới lần đầu ở Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng, Nhật Bản sẽ kề vai sát cánh cùng với Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước vì hòa bình, hữu nghị,” Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội và các địa phương sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án hạ tầng phải hiệu quả đối nhiều công trình giao thông hơn nữa vì đây là khâu đột phá sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được khởi công từ tháng 3/2009, thiết kế, thi công và giám sát bởi các nhà thầu chính Nhật Bản và sự tham gia của một số Nhà thầu Việt Nam. Tư vấn thiết kế, giám sát của dự án là Liên danh Chodai-NE và TEDI. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp.

Dự án đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm Tư vấn thiết kế và Liên danh tư vấn Stanley (Mỹ) + CTI (Nhật Bản) làm Tư vấn giám sát. Dự án được chia thành 5 gói thầu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục