Hà Nội tiếp nhận, cấp cứu gần 11.500 trường hợp trong dịp Tết

Từ ngày 6/2 đến 13/2, các bệnh viện Hà Nội đã tiếp nhận, cấp cứu cho 11.482 trường hợp; trong đó có 1.039 trường hợp tai nạn giao thông, 1 trường hợp do pháo nổ.
Hà Nội tiếp nhận, cấp cứu gần 11.500 trường hợp trong dịp Tết ảnh 1Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN).

Ngày 13/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 6/2 đến 13/2, các bệnh viện của Hà Nội đã tiếp nhận, cấp cứu cho 11.482 trường hợp; trong đó có 1.039 trường hợp tai nạn giao thông, 1 trường hợp do pháo nổ và 10.442 trường hợp do các nguyên nhân khác.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng tổ chức điều trị 4.522 trường hợp, phẫu thuật chấn thương sọ não cho 756 trường hợp, đỡ đẻ cho 1.395 trường hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong những ngày đầu năm mới.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Nhật Ánh, 19 tuổi, ở huyện Phú Xuyên đã được các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hà Đông cứu sống khi khối thai khoảng 6 tuần tuổi nằm ngoài dạ con bị vỡ.

Khoảng 15 giờ ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Ánh vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Phú Xuyên trong tình trạng sốc, mất máu nặng do chửa ngoài dạ con vỡ, mạch và huyết áp không đo được, da tái nhợt.

Tiên lượng được tình trạng nguy kịch của bệnh nhân và do tại cơ sở không có máu dự trữ, Bệnh viện Phú Xuyên đã yêu cầu sự giúp đỡ khẩn cấp của Bệnh viện Hà Đông.

Ngay lập tức, Bệnh viện Hà Đông đã kịp thời cử 1 êkíp y, bác sỹ đem theo máu dự trữ của Bệnh viện xuống hỗ trợ Bệnh viện Phú Xuyên. Nhờ sự phối hợp khẩn trương với quy trình chuẩn giữa hai bệnh viện, bệnh nhân đã được hồi sức, phẫu thuật cắt khối chửa ngoài dạ con kịp thời.

Đến ngày 13/2, bệnh nhân Ánh đã hoàn toàn tỉnh táo, các chỉ số xét nghiệm đã trở lại ổn định, dự kiến sau 1 tuần có thể xuất viện.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong các ngày Tết, người bệnh đến cấp cứu, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đều được tiếp đón và chăm sóc chu đáo; công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ được đảm bảo.

Các đơn vị đã duy trì trực 4 cấp với số người tham gia trực trung bình 1.235 người/ngày tại các bệnh viện; bố trí 41 đội cấp cứu sẵn sàng làm nhiệm vụ đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng tiếp nhận điều trị cấp cứu chấn thương và ngộ độc hàng loạt.

Trong các ngày Tết, trên địa bàn Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và tại các điểm bắn pháo hoa cũng không có trường hợp nào phải cấp cứu, điều trị.

Trong khi đó, tại Cà Mau, từ ngày 6-13/2 (nhằm ngày 28 đến mồng 6 Tết Bính Thân), tỉnh Cà Mau có hơn 2.257 trường hợp bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu, tăng 105 trường hợp so với Tết năm ngoái.

Các trường hợp tai nạn nhập viện cấp cứu, điều trị trong dịp Tết phần lớn là do tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích nặng, ngộ ngộ độc thức ăn và tai nạn khác.

Trong số 27 ca chấn thương sọ não, hai bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời và Đầm Dơi. Số ca nhập viện do tai nạn giao thông gia tăng, tuy nhiên, số ca chấn thương sọ não và tử vong do tai nạn giao thông đã giảm hơn một nửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục