Bất cập giữa tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra trầm trọng ở nhiều thành phố lớn; trong đó, có thủ đô Hà Nội.
Để giải quyết bất cập này, Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường năng lực, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho Thủ đô.
Dành sự ưu tiên
Theo số liệu của ngành chức năng, số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tăng gấp 3 lần, từ 2,2 triệu năm 2008 lên 6,6 triệu năm 2018, chưa kể số lượng phương tiện di chuyển từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội vẫn chưa được kiểm soát.
Vì vậy, Hà Nội đã tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng tăng chỉ tiêu diện tích đất trung bình 0,3% đất đô thị/năm. Theo đó, đến năm 2015 đạt 8,65% và đến năm 2019 đạt khoảng 9,38%.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngay sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, trước những bất cập, thiếu đồng bộ về quy mô hạ tầng giao thông, đặc biệt là rất thiếu những cây cầu vượt sông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chủ động tham mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép lập lại quy hoạch giao thông-vận tải Thủ đô trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt và các đồ án đang thực hiện nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các địa phương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.
Đến nay, đồ án quy hoạch phát triển giao thông-vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đó, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt Nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư, nổi bật là phát triển kết cấu hạ tầng khung đã có bước phát triển mạnh, từng bước kết nối đồng bộ giữa các địa phương với nhau.
Cụ thể, thành phố đã hoàn thành các tuyến đường: vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu); vành đai 2 (đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy); một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 (Nguyễn Văn Huyên; Trung Kính; Hoàng Đạo Thúy; Kim Đồng-Đền Lừ); vành đai 3,5 (đoạn Lê Trọng Tấn-Hà Đông và đoạn Phúc La-Văn Phú); đường 5 kéo dài; tuyến xe buýt nhanh BRT (Kim Mã-Yên Nghĩa); nhóm các công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng; nhiều công trình hạ tầng giao thông khác trên địa bàn.
Bên cạnh các công trình giao thông do Hà Nội làm chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã hoàn thành 6 tuyến cao tốc; vành đai 5 (cầu Vĩnh Thịnh và đường dẫn hai đầu cầu); vành đai 3 (tuyến trên cao đoạn Mai Dịch-Pháp Vân; Cầu Thanh trì và đường hai đầu cầu); vành đai 2 (cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên cầu); các tuyến chính đô thị như Quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long-Cầu Diễn-Nhổn-Sơn Tây); đường Nhật Tân-Nội Bài; mở rộng cảng hàng không Quốc tế Nội Bài T2...
Cùng với việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết cấu giao thông khung, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; trong đó, đầu tư hoàn thành hàng loạt công trình giao thông đảm bảo an sinh xã hội như 12 công trình cầu yếu; 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh...
[Bộ GTVT ủng hộ Hà Nội rót 2.500 tỷ đồng làm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2]
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh); trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành và tổ chức giao thông, xử lý vi phạm về giao thông.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe (IPARKING) nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi giao thông và xử lý vi phạm giao thông cho gần 200 nút giao thông trọng điểm.
Kết quả trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn cũng đã giảm từ 41 điểm năm 2015 còn 27 điểm vào năm 2019.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung
Mặc dù đạt được kết quả trên, nhưng theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Thủ đô vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị.
Tình trạng ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đồng bộ.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đã được quan tâm, nhưng nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên triển khai chậm, mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín.
Một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành, nên chưa khai thác hết năng lực công trình. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện dẫn đến tiến độ công trình bị chậm trễ, hiệu quả đầu tư chưa cao.
Trong khi đó, nhiều dự án dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công-tư (PPP), nhưng chưa xác định được nhà đầu tư để giao lập đề xuất dự án. Một số nhà đầu tư được chấp thuận giao lập đề xuất dự án PPP, nhưng không tích cực triển khai dẫn đến không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm khiến hệ thống này còn thiếu, nhất là các bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm.
Theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi, trong khi các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn của thành phố chưa kịp thời bắt nhịp dẫn đến vướng mắc kéo dài khi triển khai, tháo gỡ thủ tục dự án.
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn ODA cũng giảm và khó tiếp cận, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả.
Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho các dự án còn chưa kịp thời dẫn đến một số dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện.
Nhìn nhận thêm về những bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, tư vấn còn hạn chế.
Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện một số dự án còn bị kéo dài. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.
Sự bất cập còn thể hiện ở việc triển khai lập, thẩm định và phê duyệt đồ án Quy hoạch Giao thông Vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhưng đến năm 2016 mới hoàn thành xong và được Thủ tướng phê duyệt trong khi đó đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lại được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ năm 2011.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia giao thông cho rằng thực trạng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn mới chỉ trong giai đoạn đang đầu tư phát triển hình thành theo quy hoạch.
Do đó đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố theo đồ án quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố xác định mục tiêu, yêu cầu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và tạo được sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Từ đó, tạo điều kiện quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô cũng như người dân các địa phương khác tới thủ đô Hà Nội.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chương trình tổng thể “Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030 đang được thành phố tích cực triển khai với các dự án khép nối hệ thống đường vành đai, cầu vượt sông, đường trên cao, đường hướng tâm, đường trục chính đô thị và hệ thống giao thông tĩnh…
Sau khi hoàn thành các công trình này sẽ tạo diện mạo mới cho giao thông Thủ đô trong tương lai.
Giáo sư-tiến sỹ, kiến trúc sư Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề xuất, Hà Nội phải có một quy hoạch giao thông thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành diễn biến giao thông trên đường phố. Đồng thời, có các thiết bị đo mức độ ô nhiễm từ phương tiện giao thông và đặc biệt tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng./.