Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ phá thai, bao gồm phá thai ở vị thành niên, thanh niên trên địa bàn thành phố vẫn còn cao, tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến đang là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng vô sinh ở phụ nữ.
Tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là vô sinh thứ phát còn cao trong khi đó khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người vô sinh thì vẫn còn rất hạn chế.
Tình trạng người dân thiếu thông tin, chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình, nếu có thì phải chi trả mức phí rất cao cho dịch vụ này..., đang là những “rào cản” trong việc giúp người dân, nhất là giới trẻ tiếp cận các phương tiện phòng tránh thai.
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hơn 30% thanh thiếu niên chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai. Hầu hết các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình mới chỉ tập trung hướng tới các cặp vợ chồng trẻ đã kết hôn mà chưa dành nhiều cho đối tượng trẻ.
Đặc biệt, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên chưa kết hôn, người di cư, lao động trẻ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất lâu nay vẫn là “khoảng trống” lớn còn bỏ ngỏ.
Hiện nay, lứa tuổi thanh niên kết hôn ngày càng muộn nhưng tuổi quan hệ tình dục lần đầu lại “trẻ hơn.” Việt Nam đang là 1 trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở tuổi 15-19, trong đó có 60-70% là học sinh, sinh viên.
Các nghiên cứu cũng cho thấy 20,7% trẻ vị thành niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Hơn 1/3 số thanh, thiếu niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các phương tiện và biện pháp tránh thai an toàn.
Dạo qua các cơ sở y tế có thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Hà Nội, thường xuyên bắt gặp các trẻ em gái còn rất trẻ đi nạo phá thai, nhiều cháu đã nạo thai nhiều lần. Riêng ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên luôn là 5% tổng số ca phá thai tại bệnh viện.
Nguyên nhân tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi này gia tăng được cho là do quãng thời gian vị thành niên kéo dài (dậy thì sớm, lấy chồng muộn) trong khi đó thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và biện pháp, phương tiện tránh thai, khiến tỷ lệ phá thai tăng lên.
Nạo phá thai có thể gây thủng tử cung, nhiễm trùng... dẫn đến vô sinh và để lại nhiều chấn thương về tâm lý. Hằng năm, số người vô sinh có tiền sử nạo hút thai luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, việc tiếp cận thông tin và dịch vụ đầy đủ, hợp túi tiền sẽ giúp giảm thiểu các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn cũng như phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Với chủ đề “Đầu tư cho thanh niên,” Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay đã tập trung tăng cường đầu tư cho giới trẻ vào ba lĩnh vực chính, trong đó lĩnh vực thứ nhất là lĩnh vực y tế nhằm giúp thanh niên có cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - trong đó có chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình, nhằm giảm bớt tỷ lệ nạo phá thai, ngăn ngừa vô sinh, bảo vệ hạnh phúc gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống./.