Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì cả nước

Tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Chiều 17/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 500 bác sỹ thuộc các bệnh viện, sở y tế trên cả nước.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Các nội dung chính của hướng dẫn tập trung vào các nguyên nhân gây nên bệnh béo phì; chẩn đoán thừa cân, béo phì; xác định các dạng béo phì; các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý, thuốc và điều trị phẫu thuật trong béo phì.

Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc.

Tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

[Báo động tỷ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh tại các thành phố lớn]

"Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi béo phì gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân," Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường Việt Nam cho biết.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống.

Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Một trong những vấn đề được quan tâm đó là việc lựa chọn các phương pháp phù hợp trong điều trị béo phì, hướng đến từng cá thể. Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay đó là theo dõi, điều trị béo phì thông qua dinh dưỡng.

Theo Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Nghiêm Nguyệt Thu, các bệnh nhân béo phì ngày càng tăng mà một trong các phương pháp điều trị béo phì đó là thay đổi lối sống, bao gồm chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện.

"Thách thức đối với phương pháp điều trị dinh dưỡng chính là giúp cho bệnh nhân phải thay đổi hành vi. Điều này cần nhiều thời gian và sự quyết tâm của bản thân chủ thể, đó là biến suy nghĩ thành hành động...,” bác sỹ Nghiêm Nguyệt Thu chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục