Hà Nội: Vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Hoài Đức còn phức tạp

Trong bảy tháng năm 2020, huyện Hoài Đức phát sinh 90 trường hợp vi phạm đất đai và huyện đã xử lý dứt điểm 80 trường hợp, còn lại 10 trường hợp sẽ sớm được tập trung xử lý dứt điểm.

Chiều 11/8, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, trong bảy tháng năm 2020, huyện Hoài Đức phát sinh 90 trường hợp vi phạm đất đai.

Huyện đã xử lý dứt điểm 80 trường hợp, còn lại 10 trường hợp, gồm xã Vân Côn (một trường hợp), xã Song Phương (hai trường hợp), xã Đông La (sáu trường hợp), xã Dương Liễu (một trường hợp) sẽ sớm được tập trung xử lý, dứt điểm trong thời gian tới.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, qua kiểm tra 170 công trình xây dựng, huyện đã phát sinh 13 trường hợp vi phạm. Huyện đã xử lý được hai trường hợp, còn 11 trường hợp đang được huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực xử lý.

Đặc biệt, huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm tổ trưởng, phối hợp với các đơn vị như thanh tra, tư pháp, công an... phát hiện vi phạm ở địa phương nào, xử lý ngay tại địa phương đó.

Liên quan đến sai phạm ở Chung cư Bright City (đường Quốc lộ 32, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) về việc dự án chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định đã cho hàng trăm hộ dân về ở, tiềm ẩn nguy hiểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức cho rằng, việc này do trách nhiệm của nhà đầu tư. Huyện đã xử lý nhiều lần; đồng thời giao cho lực lượng chức năng gồm chính quyền xã, công an, phòng cháy chữa cháy thường xuyên kiểm soát, để kịp thời xử lý những phát sinh.

[Hà Nội: Dừng hoạt động hạ độ cao, tận thu đất đồi ở xã Phú Sơn]

Trước đó, trong diễn biến liên quan, ngày 5/8, nguồn tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 32 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng từ năm 2015-2016 phải tiếp tục xử lý; trong đó có các quận, huyện như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Trì, Tây Hồ, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất.

Để xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố; đồng thời định kỳ ngày 20 hàng tháng, các địa phương, đơn vị có báo cáo kết quả xử lý, giải quyết các trường hợp còn tồn đọng trên địa bàn về Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.