Hà Nội xây thêm bến xe Yên Sở: Tốn kém và thiếu tầm nhìn?

Hà Nội xây thêm bến xe: Chuyên gia hoài nghi, nhà xe lo lắng

Hà Nội xây thêm bến xe Yên Sở theo các chuyên gia là cách làm cục bộ trong khi doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ sự lo lắng, như ngồi trên… đống lửa khi rất dễ lâm cảnh phá sản.
Hà Nội xây thêm bến xe: Chuyên gia hoài nghi, nhà xe lo lắng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc Hà Nội “nhét” thêm bến xe Yên Sở (Hoàng Mai) sát vành đai 3 nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, theo các chuyên gia giao thông, Hà Nội xây thêm bến xe khách trung hạn, chỉ hoạt động vài năm rồi di dời là cách làm cục bộ.

Về phía doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ sự lo lắng, như ngồi trên… đống lửa khi rất dễ lâm cảnh phá sản.

[Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc ‘nhét thêm’ bến xe sát đường vành đai 3?]

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội (nguyên kiến trúc sư Trưởng thành phố Hà Nội) cho rằng, khi xây thêm bến xe, Hà Nội phải tính tới các phương án tổ chức giao thông trước sau đó mới đầu tư bến xe, còn đầu tư xong mới tổ chức giao thông là cách làm cục bộ.

Đánh giá hiện giao thông Thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần giải quyết như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng nhiều bấp cập... theo ông Nghiêm, Hà Nội không nên chú trọng vào các giải pháp mang tính cục bộ, ngắn hạn. Đặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 sẽ gây thêm ắch tắc cho khu vực nội đô, trong đó nút giao Pháp Vân-vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.

“Thêm bến xe mới ở vành đai 3 là không hợp lý, khi chúng ta đang muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô. Hà Nội nên cân nhắc hơn nữa để giải quyết tập trung vấn đề nóng bỏng, có tầm nhìn xa, thay vì những bến xe nhỏ, chỉ mang tính ngắn hạn,” ông Nghiêm cho hay.

Cho rằng theo quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4, vị chuyên gia giao thông này nhận định, Hà Nội lại xây thêm bến xe Yên Sở ngay vành đai 3, trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen về ùn tắc giao thông rõ ràng không hợp lý và cần xem lại.

Nhìn nhận Hà Nội vẫn cố đầu tư xây bến xe Yên Sở sẽ chỉ gây tốn kém, lãng phí, gây hậu quả lớn do thiếu tầm nhìn, ông Nghiêm cho rằng, quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4, trong nội đô nên đầu tư vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh, những thứ Hà Nội đang rất thiếu.

[Hà Nội 'nhồi' bến xe sát vành đai 3: Quy hoạch đi ngược với thế giới]

Về ý kiến nói xây bến xe Yên Sở là có trong quy hoạch, theo ông Nghiêm, dù đã có trong quy hoạch song thành phố có thể điều chỉnh nếu nếu quy hoạch không còn hợp lý và ông cũng băn khoăn trong khi các bến xe trong khu vực lân cận phải di dời thì Hà Nội lại chấp thuận cho phép bến xe “trung hạn” Yên Sở hoạt động lên đến 50 năm?

Đại diện một số doanh nghiệm kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh đi các địa phương phía Nam Hà Nội cũng lo lắng với bến xe Yên Sở tương lai.

Theo các doanh nghiệp, sau vài năm điều chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình, hành khách dần quen việc kinh doanh mới dần khôi phục nhưng chỉ được vài năm lại chuyển tiếp về bến xe Yên Sở chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản.

“Khi có bến xe Yên Sở sẽ lặp lại câu chuyện xin-cho về tần suất lượt chạy, giờ xuất bến, cạnh tranh không lành mạnh. Các đơn vị vận tải cũng không biết bao giờ sẽ bị chuyển hay giữ lại. Xe nào bị chuyển xem như trắng tay, phải làm lại từ đầu,” đại diện một nhà xe chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội lo lắng.

Đặc biệt, các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, nếu có bến xe Yên Sở thì sẽ không có ai mặn mà đầu tư vào bến xe phía Nam ngoài vành đai 4. Do vậy, thành phố cần phải nói rõ thời gian bến xe Yên Sở chuyển ra ngoài vành đai 3, cần công khai minh bạch việc này.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, nhiệm vụ bến xe Yên Sở trước mắt là để giảm tải việc xe vào bến Nước Ngầm và Giáp Bát vì các bến xe này sắp phải di chuyển trong thời gian tới. Khi nào xây dựng được bến xe phía Nam ngoài vành đai 4 thì bến xe này sẽ trở thành bến trung chuyển vận tải hành khách công cộng.

Tuy nhiên, ông Tuấn chưa thể đưa ra thời gian cụ thể việc di chuyển bến xe Yên Sở mà chỉ cho biết khi xây dựng được bến xe phía Nam thì sẽ điều chuyển.

[Bốn bến xe lớn nhất Hà Nội sẽ trở thành bãi đỗ xe từ sau năm 2020]

Trước đó, trả lời phóng viên, ông cho rằng, bến xe Yên Sở sẽ giảm ùn tắc giao thông, còn cụ thể giảm ra sao, tổ chức giao thông ra vào bến xe thế nào, Hà Nội sẽ thực hiện sau khi bến xe xây dựng xong.

Về việc “nhồi thêm” bến xe Yên Sở sát đường vành đai 3, dư luận cũng bày tỏ sự băn khoăn nghi vấn với nhiều câu hỏi như: thành phố Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bến xe Ngọc Hồi để chuyển bến Giáp Bát và Nước Ngầm xuống thì còn xây bến xe Yên Sở làm gì? Trong khi, hai bến này vẫn còn khả năng khai thác ổn định thì việc xây dựng thêm bến xe thứ ba sẽ phục vụ lợi ích của ai?/.

Được biết, trong khi giữ lại bến xe Yên Sở, Hà Nội lại loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác (tương tự bến xe Yên Sở) do nhận thấy không còn phù hợp, nằm trong nội đô (bến xe Xuân Phương và Vân Trì).

Năm 2013, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng từng đề xuất xây dựng thêm bến xe khách Khuyến Lương (Hoàng Mai), cách bến xe Yên Sở khoảng 2km, cùng nằm trên đường vành đai 3. Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất, nhưng tất cả phải dừng lại vì không hợp lý. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục