Hà Nội xử lý nghiêm tình trạng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng

Thanh tra Xây dựng đã thiết lập hồ sơ vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời chuyển Ủy ban Nhân dân các cấp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội xử lý nghiêm tình trạng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng ảnh 1Nhà siêu mỏng trên phố Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Công tác quản lý trật tự xây dựng​-đô thị trên địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề phức tạp, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sở, ngành thành phố, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở, từ đó tạo điều kiện cho việc xử lý vi phạm có chuyển biến tích cực.

Nhiều trường hợp xây dựng sai phép

Thời gian qua trên địa bàn thành phố có nhiều vụ vi phạm, khi xử lý, xử phạt và áp dụng các hình thức cưỡng chế như tháo dỡ công trình gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đặc biệt có những công trình vi phạm được "ưu ái" nộp phạt rồi cho tồn tại, dẫn tới phá vỡ quy hoạch, mất cảnh quan đô thị do không xây dựng đồng nhất theo quy định.

Tình trạng để chủ nhà, chủ đầu tư công trình xây dựng hoàn thành rồi các cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế, có thể nói là quy trình "ngược", gây tốn kém công sức, tiền của và cả sự nghiêm minh của pháp luật. Điển hình như nhà ở chung cư cao cấp 93 Lò Đúc xây dựng vi phạm, đã đưa vào sử dụng nhiều năm, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết. Những căn hộ thuộc phần diện tích xây dựng sai phép này đã được bán và cư dân đang ở ổn định nên việc dỡ bỏ trên tầng 23, 28, 29 khó thực hiện bởi mất an toàn và tốn kém. Dự án này đã gặp rất nhiều rắc rối trong khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, ở nhiều cấp, nhiều ngành gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và kết quả phải tiến hành tháo dỡ tầng 30 của tòa nhà để trả lại nguyên trạng.

Thực tế, nhiều công trình xây dựng, các lực lượng kiểm tra, thanh tra đã phát hiện sai phạm, lập biên bản xử phạt, nhưng không có các biện pháp ngăn chặn vi phạm nên các công trình tiếp tục được xây dựng. Thậm chí có nơi, lực lượng chức năng ở cơ sở phường, xã qua lại kiểm tra hàng ngày, biết rõ vi phạm nhưng vẫn "làm ngơ" để công trình mọc lên sai giấy phép. Đặc biệt, tình trạng xây dựng trên đất không rõ nguồn gốc, đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, hay còn gọi là đất "nhảy dù" vẫn tồn tại. Vi phạm này diễn ra không ít ở các khu phố cổ, nhà chật hẹp, xuống cấp, trong lúc nhu cầu ở, kinh doanh rất lớn, nên chủ nhà thường "làm liều" sửa chữa, xây mới vượt tầm cao so với quy định.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, 9 tháng năm 2015, số công trình xây dựng được kiểm tra, rà soát trên địa bàn tăng, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ có phép so với số không phép tăng cao. Cụ thể, qua kiểm tra 16.325 công trình, các lực lượng chức năng phát hiện 2.002 công trình có vi phạm; trong đó không phép 627 trường hợp, sai phép 407 trường hợp, sai quy hoạch, sai thiết kế 20 trường hợp; xây dựng công trình ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường là 99 trường hợp; số công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp 849 trường hợp.

Theo đánh giá chung, đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Thanh tra Xây dựng đã kịp thời thiết lập hồ sơ vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời chuyển Ủy ban Nhân dân các cấp để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong số 1585 trường hợp do Ủy ban Nhân dân cấp xã, cấp huyện xử lý có 321 trường hợp buộc cưỡng chế phá dỡ; tự khắc phục 1097 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 164 trường hợp). Hiện 417 công trình đang được tiếp tục xử lý. Theo đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đạt gần 7,5 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng​-đô thị trong 9 tháng năm 2015 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, số các trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp còn nhiều với các hình thức sai phạm phổ biến như lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, số tầng, khoảng lùi... Trên địa bàn một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công với 849 trường hợp, chiếm 42,4% số công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Đẩy mạnh ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm

Thực tế thời gian qua, việc xử lý vi phạm của các địa phương còn lúng túng, thậm trí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; chưa quyết liệt. Công tác phúc tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ đối với các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã hạn chế; mới chủ yếu tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các đội Thanh tra Xây dựng. Việc kiểm tra, xác minh thực tế tại công trình chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.

Mặt khác, việc thiết lập hồ sơ tại một số địa bàn chưa kịp thời. Một số địa bàn có hiện tượng buông lỏng quản lý trong khi công tác đôn đốc xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, triệt để. Nhiều đội Thanh tra Xây dựng chưa sâu sát dẫn đến công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được phát hiện hoặc phát hiện khi quy mô vi phạm đã lớn, nổi cộm như: Hoài Đức, Đống Đa, Đông Anh, Hoàng Mai (phường Hoàng Liệt).

Thanh tra Sở Xây dựng cũng chỉ rõ công tác tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại một số Đội chưa tương xứng với số công trình vi phạm. Đơn cử như: Quận Đống Đa 58 công trình vi phạm nhưng chỉ ban hành 1 quyết định xử phạt với số tiền là 15 triệu đồng. Huyện Đan Phượng 131 công trình vi phạm, ban hành 6 quyết định xử phạt với số tiền 9 triệu đồng. Huyện Thanh Trì 227 công trình vi phạm, ban hành 7 quyết định xử phạt với số tiền 8 triệu đồng. Huyện Thạch Thất có 15 công trình không có giấy phép xây dựng nhưng không ban hành quyết định xử phạt. Thị xã Sơn Tây có 4 công trình không có giấy phép xây dựng, 1 công trình xây dựng sai so với giấy phép nhưng không ban hành quyết định xử phạt.

Song, qua thực tế kiểm tra, một số Đội có thành tích tốt trong công tác quản lý trật tự xây dựng như: Cầu Giấy và Chương Mỹ, tỷ lệ giải quyết dứt điểm công trình vi phạm là 100% với số tiền xử phạt tương xứng với số vi phạm được phát hiện. Cầu Giấy có tổng số tiền xử phạt cao nhất trong 30 đội là gần 1,6 tỷ đồng; quận Ba Đình tỷ lệ công trình vi phạm là 2%, tỷ lệ giải quyết dứt điểm công trình vi phạm chiếm 60%.

Để khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng - đô thị thời gian qua, Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở phải đẩy mạnh chỉ đạo, giám sát, đôn đốc thường xuyên, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, phấn đấu không để xẩy ra các vụ việc phức tạp mà chưa kịp thời kiểm tra ngăn chặn, xử lý. Đồng thời cần tăng cường quản lý cán bộ công chức và các lực lượng làm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; kiên quyết xử lý trách nhiệm của cán bộ vi phạm công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Trước mắt, 3 tháng cuối năm 2015, Thanh tra Sở phải phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng và ban hành quy định về xử lý trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng. Tập trung thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, thanh tra viên không thực hiện đúng các chức năm nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm mà không kịp thời phát hiện, thiết lập hồ sơ, đề xuất xử lý vi phạm tại các Đội Thanh tra Xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.