Tại các điểm công cộng, nhà ga, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị… không để phát sinh tình trạng tập trung đông người trên địa bàn; kiên trì tuyên truyền, vận động người dân có việc cần thiết mới ra ngoài.
Đây là nội dung Công điện số 27/CĐ-UBND do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ngày 31/12, về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch và đầu năm mới 2022.
Giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước những nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt đã xuất hiện biến chủng mới của SASR-CoV-2 là Omicron, song song với việc đón năm mới tết Dương lịch 2022, chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Các đơn vị thực hiện nghiêm quy định “5K,” lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã được giao căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
[Ưu tiên cao cho công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nhâm Dần]
Hà Nội cũng yêu cầu tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, thị trấn, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ôxy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.
Thành phố lưu ý các địa phương duy trì thường trực 24/24 giờ các đội phòng chống dịch cơ động, tại các cơ sở y tế bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron tại cộng đồng, luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chủ tịch thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, tổ chức tiêm vaccine, thuốc, ôxy y tế, giám sát dịch và nâng cao năng lực thực chất của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập các trạm y tế lưu động, đặc biệt trong các khu công nghiệp, phường đông dân cư... thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 tại nhà, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
"Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo tiếp tục rà soát người từ 50 tuổi trở lên, tăng cường, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục tiêm vaccine phòng COVID-19," lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tại Công điện, thành phố giao Sở Y tế bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế tăng cường các giải pháp chuyên môn giám sát dịch bệnh, biến chủng của virust để chỉ đạo, đề xuất tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các biện pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp, theo thẩm quyền, đảm bảo quy định trên địa bàn toàn.
Cùng đó, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với cấp độ dịch, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉ đạo theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 10/1/2022.
Ngoài ra, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài chính nghiên cứu có chính sách đối với Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà; rà soát trang thiết bị y tế, như tủ thuốc, tủ bảo quản vaccine, ôxy…, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 15/1/2022, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thống nhất, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Chủ tịch Hà Nội giao lực lượng công an phối hợp cùng địa phương rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động dân cư, tất cả những trường hợp ngoại tỉnh, nhập cảnh từ nước ngoài về làm việc và cư trú trên địa bàn để giám sát, theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống khi cần thiết; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, nhất là quản lý, điều trị F0 tại nhà và tại các cơ sở thu dung điều trị, F0 thể nhẹ.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên Môi trường được giao chủ trì phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính, các quận, huyện, thị xã triển khai xử lý, phân loại rác thải y tế đối với các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0, các trường hợp cách ly, điều trị tại nhà… tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng./.