Ngày 12/1, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến chuyên đề "Cơ hội đầu tư thị trường bất động sản Đồ Sơn-Hải Phòng năm 2022" để nhận diện về những xu hướng của thị trường tiềm năng này.
Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhận định trong bối cảnh cả nước đang thích ứng linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, khi nhìn lại và đánh giá về các thị trường bất động sản tiềm năng thì Hải Phòng nổi lên là thị trường hấp dẫn.
Trong thập niên vừa qua, Hải Phòng đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ dựa trên ba trụ cột: kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Nghiên cứu và khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, thị trường bất động sản Hải Phòng nói chung và Đồ Sơn nói riêng có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với dư địa còn rộng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý và xu hướng của tầng lớp trung lưu đang tìm đến những vùng ven nhưng có khí hậu trong lành và tiện nghi như Đồ Sơn để sở hữu ngôi nhà thứ 2 (second home) với mục đích nghỉ dưỡng và tận hưởng không gian sống mới.
Cùng đó, Homeliday - dòng sản phẩm mới được kết hợp giữa Home và Holiday đang là xu hướng phát triển mới tại Đồ Sơn nhằm đáp ứng được nhu cầu về một căn nhà để ở và có thể tận hưởng như một kỳ nghỉ dưỡng.
Bởi vậy, dòng sản phẩm này tại Đồ Sơn luôn được quan tâm trong danh mục đầu tư của khách hàng và có khả năng hấp thụ tốt, đặc biệt là các khu biệt thự đã tăng giá từ 10-13%/năm.
[Cơ chế đặc thù đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của cả nước]
Thống kê của một số đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhưng bất động sản Hải Phòng cùng với Quảng Ninh và Bắc Giang lại là 3 thị trường ghi nhận sự tăng trưởng trong mức độ quan tâm của nhà đầu tư.
Đánh giá về tiềm năng này, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét Hải Phòng là thị trường bất động sản đã bị nén khá lâu.
Đây là thành phố cảng biển có nhiều tiềm năng nhưng so với các tỉnh lân cận thì lại phát triển chậm hơn bởi những hạn chế về giao thông, những sông ngòi chia cắt, giao thông kết nối chính chỉ có tuyến Quốc lộ 5 thường xuyên tắc đường, khiến cho kết nối giao thông yếu, do đó kinh tế chưa được phát triển mạnh như kỳ vọng. Bởi vậy, suốt thời gian dài, thị trường bất động sản tại đây cũng tăng trưởng chưa nhiều, giá bất động sản cũng còn thấp - ông Đính phân tích.
Tuy nhiên, đến hiện tại, bất động sản Hải Phòng đang "bung" ra dựa trên các yếu tố như quy hoạch định hướng phát triển địa phương mới hơn. Cùng đó, đầu tư hạ tầng kết nối rút ngắn khoảng cách di chuyển tới các vùng trọng điểm kinh tế khác như Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… ngay lập tức đã thu hút các nhà đầu tư rất lớn vào việc phát triển đô thị.
Nhiều doanh nghiệp lớn cũng nhanh chóng đầu tư vào Hải Phòng với các dự án quy mô lớn, bài bản. Những thay đổi tích cực đó đã mang đến một "sức sống mới" cho thị trường bất động sản Hải Phòng.
Tại một số khu vực của Hải Phòng như Thuỷ Nguyên, Dương Kinh, Đồ Sơn… bất động sản thời gian qua tăng trưởng tích cực, tiềm năng còn rất lớn bởi độ nén đã lâu giờ sẽ được "bung" ra.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhận xét Đồ Sơn có vị trí khá lý tưởng so với khoảng cách của 3 trung tâm đô thị Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Đồ Sơn trong thời bao cấp là một khu nghỉ mát gần như là duy nhất và nổi tiếng nhất ở miền Bắc và đây là giá trị lịch sử mà không phải vùng biển miền Bắc nào cũng có được. Địa hình khu vực này khá đa dạng khi có biển, núi, kết hợp đồng bằng là tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, đặc biệt là nghỉ dưỡng.
"Một điểm thú vị khác là Đồ Sơn còn quỹ đất rất lớn, "đi trước, về sau" trong phát triển bất động sản. Về du lịch biển, Đồ Sơn đi trước Quảng Ninh, nhưng hiện nay Quảng Ninh đã phát triển nóng, còn Đồ Sơn vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác. Dân cư ở Đồ Sơn có một bộ phận không nhỏ đã di cư ra nước ngoài, do đó, khi phát triển bất động sản ở Đồ Sơn không chỉ hướng đến dòng khách hàng ở các địa phương khác, hay khách quốc tế mà còn cả Việt kiều gốc Đồ Sơn, họ có thể quay về đây để đầu tư bất động sản" - ông Ánh chia sẻ.
Hiện nay, Đồ Sơn đang được chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng nội khu và cả hạ tầng liên kết với các địa phương khác. Đây cũng là điều kiện rất lý tưởng cho Đồ Sơn để phát triển bất động sản. Đây chính là chìa khoá quyết định cho sự phát triển bất động sản Đồ Sơn theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao so với các địa phương khác trong nước, thậm chí là so với khu vực.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong dẫn chứng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đều xác định xây dựng và phát triển Đồ Sơn trở thành một trong 3 trung tâm du lịch quốc tế (Cát Bà, Đồ Sơn, Hạ Long).
Đồ Sơn là một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng có bề dày lịch sử cả trăm năm, một địa chỉ quen thuộc của du khách và giới đầu tư bất động sản. Sự kết hợp giữa các yếu tố lịch sử, hiện đại và tương lai sẽ là cộng lực mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn và có năng lực.
Việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng và đô thị vệ tinh vùng ven thành phố Hải Phòng, cùng với sự phát triển đa dạng của nhiều loại hình, sản phẩm bất động sản mới, xanh, "bốn mùa"... thì thị trường bất động sản Đồ Sơn sẽ ngày càng hấp dẫn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Minh Hưng chia sẻ nhiều năm trước, các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng "đánh bắt xa bờ," vào tận các thị trường phía Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sau đó, giai đoạn 2019-2020, một xu hướng khác được chỉ ra, đó là một lượng đông đảo nhà đầu tư phía Bắc lại quay về tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.
Rõ ràng, xu hướng ly tâm để dịch chuyển đầu tư về những vùng đất mới, bên cạnh thị trường truyền thống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã diễn ra nhiều năm nay.
Các địa phương lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình và Quảng Ninh (miền Bắc); Thanh Hóa (miền Trung); Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu (miền Nam) đã ghi nhận giá đất không ngừng tăng lên.
Đặc biệt trong 2 năm qua, dù chịu tác động của dịch COVID nhưng bất động sản không bị rớt giá mà thậm chí còn tăng mạnh.
Theo ông Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung, bất động sản Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn do nguồn cung rất ít trong khi quỹ đất không có và nhu cầu đầu tư luôn cao, thì các dự án ở Hà Nội sẽ không có biên độ giảm, thay vào đó là tăng mạnh.
Trước thực tế này, dịch chuyển về bất động sản vùng ven được xem là quyết định hợp lý, đặc biệt các vùng ven Thủ đô như Thái Nguyên, Bắc Giang hay vùng vệ tinh mũi nhọn kinh tế như Hải Phòng.
Những năm gần đây, hàng loạt chủ đầu tư lớn cũng đã tìm về thị trường bất động sản Hải Phòng, Đồ Sơn để phát triển dự án, các dự án đều có quy mô từ hàng nghìn đến hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến BRG Coastal City của Tập đoàn BRG, hay FLC Đồ Sơn của Tập đoàn FLC, Dragon Ocean của Tập đoàn Geleximco...
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho thấy nhu cầu tìm mua bất động sản ở mức giá trên dưới 2 tỷ đồng của người dân hiện cũng rất lớn, đặc biệt là người lao động từ ngoại tỉnh đến Hải Phòng sinh sống và làm việc.
Hiện nay, phần lớn công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đang phải thuê nhà trọ sinh sống, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản giá bình dân phát triển trong tương lai.
Dự báo giai đoạn năm 2021-2030, bất động sản phân khúc giá rẻ khu vực vùng ven Hải Phòng sau thời gian dài trầm lắng sẽ có sự tăng trưởng "phi mã."./.