Hải Phòng: Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội giúp người lao động an cư

Thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt và vượt 100% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ giao trong giai đoạn 2025-2030 (trên 18.100 căn).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà ở xã hội Tràng Cát-Hải Phòng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà ở xã hội Tràng Cát-Hải Phòng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng đang được triển khai theo đúng tiến độ. Đây sẽ là "cánh cửa" an cư đối với nhiều người dân trên địa bàn.

Song, làm thế nào để tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn vốn để mua nhà vẫn là câu hỏi được nhiều người lao động đặt ra.

Cần giám sát, hướng dẫn cụ thể

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với công nhân lao động thành phố Hải Phòng, một trong những nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị với Quốc hội là vấn đề nhà ở cho người lao động.

Cử tri Phan Thị Lệ Thủy, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Thuận Phi cho biết, theo phản ánh của đoàn viên, người lao động và kiến nghị của các Công đoàn cơ sở, hiện việc mua bán, sở hữu một căn nhà ở xã hội có nhiều vấn đề như: giá bán, đối tượng mua, việc tiếp cận mua nhà ở xã hội của công nhân, lao động, đặc biệt công nhân ngoại tỉnh còn nhiều khó khăn...

Để đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, chị Thủy đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ về giá bán nhà ở xã hội, đối tượng được mua nhà; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc tổ chức bốc thăm trên các hồ sơ đủ điều kiện, đảm bảo đúng quy định, công bằng.

Theo ông Đào Xuân Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Yazaky Hải Phòng (Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng), thành phố đã triển khai xây dựng một số dự án nhà ở xã hội. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam khởi công Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trên khu đất rộng hơn 5ha.

Đây là minh chứng cụ thể cho thấy, Hải Phòng đã và đang tiếp tục đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông Đào Xuân Thu băn khoăn việc chưa có quy định cụ thể về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giá cho thuê nhà lưu trú. Ông Thu đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để công nhân trong các khu công nghiệp của thành phố sớm được hưởng các chính sách ưu đãi về nhà lưu trú công nhân, có thể được sử dụng nhà lưu trú ngay sau khi các dự án trên địa bàn hoàn thành, đi vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận nhà ở xã hội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Hải Phòng cho biết hiện nhiều người lao động có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay để mua nhà ở xã hội, vượt quá khả năng cho vay của Chi nhánh. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu, linh hoạt trong cung ứng nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội.

Xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân

Tiếp xúc cử tri chuyên đề tại thành phố Hải Phòng, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải đáp một số nội dung về nhà ở xã hội. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc giám sát chặt chẽ hoạt động mua nhà ở xã hội để đảm bảo đúng đối tượng, đúng giá, công khai, minh bạch đã được Luật Nhà ở (sửa đổi) (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đã quy định rất cụ thể như: quy định về chi phí tính vào giá bán để đảm bảo cho người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội với giá hợp lý, ưu đãi, vừa với mức thu nhập; đồng thời, quy định cụ thể phương án xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội. Luật quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp tỉnh, thành phố thanh tra, xử lý vi phạm các trường hợp triển khai sai quy định.

ttxvn-1801nhaoxahoihaiphong2-1950.jpg
Phối cảnh dự án Khu đô thị-Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bán, cho thuê nhà ở xã hội. Chính những người thụ hưởng chính sách cũng cần thực hiện hoạt động giám sát và báo cáo kịp thời với các cấp chính quyền nếu phát hiện vi phạm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Phòng, quy trình thẩm định giá nhà ở xã hội và các trường hợp thụ hưởng rất chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật. Thông tin liên quan đến nhà ở xã hội như số dự án, tiến độ triển khai đều được cung cấp trên website của Sở tại địa chỉ https://soxd.haiphong.gov.vn/nha-o-xa-hoi. Người dân cần tham khảo thông tin tại đây để tránh tiếp cận những thông tin không chính xác.

Liên quan đến nội dung minh bạch thông tin trong tiếp cận nhà ở xã hội, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng đã ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này.

Ngày 15/1/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định 117/QĐ- UBND về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU, ngày 13/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với các quy định chi tiết, cụ thể để đảm bảo trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan; trong đó có người mua nhà.

Theo Chương trình hành động của thành phố về phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2022-2025, địa phương sẽ hoàn thành 15.400 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 18.100 căn. Đến hết năm 2025, thành phố đạt 100% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ giao (15.400 căn).

Thành phố phấn đấu năm 2030 đạt và vượt 100% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ giao giai đoạn 2025-2030 (trên 18.100 căn).

Tại nhiều cuộc gặp gỡ với người lao động và các đơn vị liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, bên cạnh mục tiêu về số lượng, lãnh đạo thành phố đang nỗ lực thay đổi, chuyển hóa quan điểm của nhiều người cho rằng nhà ở xã hội là "không gian cho các trường hợp yếu thế, thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ."

Hải Phòng sẽ xây dựng nhà ở xã hội là nơi có "không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân."

Thành phố chỉ đạo ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gắn liền với đô thị và với các khu vực sản xuất, các khu vực dịch vụ và tạo ra công ăn, việc làm; hạn chế dần các dự án nhỏ và dần chuyển sang mô hình dự án nhà ở xã hội là "khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi" với quy mô lớn.

Mới đây, tại buổi thăm, tặng quà người lao động đang làm việc tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam (đường Mạc Thái Tổ, quận Hải An; dự kiến hoàn thành ngày 31/10/2024, đáp ứng chỗ ở cho 10.000 lao động), Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu kỳ vọng, dự án sẽ là hình mẫu lý tưởng để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Hải Phòng học tập, triển khai./.

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.