Dự án hầm đường bộ nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2018 (vượt tiến độ 3 tháng) giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở đèo hiểm trở Cù Mông, cởi bỏ “nút thắt” cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 1 để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng và phát triển kinh tế Duyên hải Nam Trung Bộ.
Dự án hầm Cù Mông có tổng mức đầu tư là 3.921 tỷ đồng, được sử dụng từ phần tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng từ hầm đường bộ Đèo Cả. Đây có thể xem là “một mũi tên trúng hai đích” bởi không chỉ hoàn thành dự án hầm đường bộ Đèo Cả với chất lượng tốt, mà còn giải quyết nốt bài toán hầm qua đèo Cù Mông mà không phát sinh thêm vốn đầu tư.
[Đào thông hầm Cù Mông nối 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên]
Hầm Cù Mông được thực hiện theo hình thức BOT với chiều dài toàn tuyến là 6,62km, điểm đầu tại Km1239+119 Quốc lộ 1 (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại Km1247+739 Quốc lộ 1 (tỉnh Phú Yên). Chiều dài hầm 2.600m, chiều dài đường dẫn 4.020m, trên tuyến có 2 cầu với tổng chiều dài 36m. Đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Dự án do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) khởi công vào tháng 9/2015, đến nay các hạng mục chính của dự án đang được chủ đầu tư, nhà thầu tích cực hoàn thành và đạt khoảng 80% khối lượng.
Ghi nhận trên công trường, gần 300 công nhân cùng với các thiết bị, máy móc hiện đại hối hả bám các mũi thi công. Dự án vào cao điểm lắp đặt phần vỏ hầm, nền đường.
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, Giám đốc Ban quản lý dự án hầm đường bộ Cù Mông, giai đoạn thi công “khó nhằn” nhất là đào thông 2 đầu hầm mất tới 18 tháng đã xong ngay từ đầu năm nay. Đặc biệt, chủ đầu tư cũng sử dụng vật liệu đất, đá sau khi đào được đưa ra 2 bãi thải phía 2 đầu hầm và tận dụng khoảng 30% vật liệu để làm vỏ hầm và nền mặt đường. Hiện, các nhà thầu đang hoàn thiện đường dẫn 2 đầu hầm
Nhờ kinh nghiệm xây dựng hầm Đèo Cả, các nhà đầu đã rút ngắn thi công 12m đốt vỏ hầm/ngày (so với trước đây là 2 ngày). Các tốp thi công 24/4 giờ, cứ sau 8 tiếng sẽ dỡ ván khuôn và tiếp tục làm đốt hầm bê tông liền kề nên tăng tốc được tiến độ.
“Việc thi công hoàn thành công trình đã vào guồng nên đích đến vào cuối năm 2018 là trong tầm tay, đưa vào vận hành, khai thác vào đầu quý 1/2019,” ông Đông khẳng định.
Để hoàn thành các mốc tiến độ, các đơn vị thi công đã lập và trình kế hoạch chi tiết phục vụ thi công trong thời gian từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng lên các phương án tăng cường thêm nhiều kỹ sư có năng lực, kinh nghiệm trong thi công hầm từ các đơn vị đã từng làm hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả và phương tiện máy móc, vật tư để đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Đông, hầm Cù Mông nằm trong vùng địa chất tương đối yếu, nhiều đới đứt gãy chạy dọc theo tim hầm, do vậy trong quá trình thi công đòi hỏi các kỹ sư hầm, kỹ sư địa chất phải thường xuyên liên tục theo dõi sự thay đổi địa chất, để quyết định kết cấu chống đỡ cho phù hợp, phòng tránh nguy cơ gây mất ổn định vòm hầm. Do địa chất phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ đào hầm.
Chỉ ra khó khăn, vướng mắc hiện nay của dự án là mặt bằng tuyến đường điện (phía Nam-tỉnh Phú Yên và phía Bắc-tỉnh Bình Định) cung cấp cho hầm chưa được bàn giao, ông Đông thừa nhận, việc này sẽ kéo theo khi dự án hoàn thành sẽ không có nguồn điện ổn định cung cấp dẫn đến nguy cơ hầm phải tạm dừng vận hành vì thiếu nguồn điện.
Để thực hiện công tác giám sát, quản lý chất lượng, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Liên danh tư vấn Apave (Pháp)-A2Z (Việt Nam) và huy động các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và quốc tế để thực hiện. Ban Quản lý dự án và Tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra công trường, tổ chức các cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý để kịp thời chấn chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công trình, yêu cầu nhà thầu khắc phục những vị trí, hạng mục công việc chưa đảm bảo chất lượng và thường xuyên thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng...
[Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hầm đường bộ Đèo Cả]
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng với Trường Đại học Xây dựng để thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình trong suốt quá trình triển khai xây dựng.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công, chất lượng công trình, chủ đầu tư đã triển khai gói thầu đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy để giám sát và kịp thời chấn chỉnh các hành vi không đảm bảo an toàn lao động, khắc phục những vấn đề không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với đặc thù công trình hầm, khi thi công cần sử dụng một lượng thuốc nổ rất lớn, do vậy, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu xây dựng kho thuốc nổ đảm bảo theo quy định và phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo các quy định về sử dụng vật liệu nổ và đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Nhấn mạnh sự thành công của dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã tăng thêm niềm tin của Chính phủ đối với dự ánhầm đường bộ qua đèo Cù Mông, ông Đông đánh giá, thành công lớn nhất của các dự án hạ tầng có độ khó như hầm đường bộ là đã hình thành được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi, có thể đảm nhận được nhiều dự án phức tạp mà trước kia chỉ nhà thầu quốc tế đảm nhận./.