Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5.
Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
Hãng bay chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, liên tục cho các cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các đơn vị phục vụ mặt đất để hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thông suốt, không bị gián đoạn và bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Trong trường hợp có các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, hãng hàng không cần khẩn trương thông báo cho các cảng hàng không, sân bay và các đơn vị có liên quan để xem xét điều chỉnh kịp thời công tác phục vụ khai thác, tránh lãng phí các nguồn lực; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng phương án phục vụ, có kế hoạch tăng cường nhân lực, đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
[Vì sao giá vé máy bay thường xuyên tăng cao vào các dịp nghỉ lễ?]
ACV tập trung bố trí, bổ sung nhân viên an ninh hàng không, phương tiện, trang thiết bị trong khu vực cảng hàng không để thực hiện nhanh nhất công tác soi chiếu an ninh, trả hành lý cho hành khách, công tác thông tin để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Đơn vị này được giao bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại Cảng hàng không để hành khách dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để bảo đảm công tác an ninh an toàn và chất lượng lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ hành khách, bao gồm trường hợp xảy ra tình huống chậm chuyến, hủy chuyến;
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng kiểm soát viên không lưu, nhân lực phục vụ nhu cầu khai thác tăng cao trong thời gian cao điểm, đảm bảo điều hành bay an toàn; rà soát hệ thống phương tiện, trang thiết bị điều hành bay, thông tin liên lạc; xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, bổ sung phương tiện trang thiết bị, sẵn sàng phục vụ trong thời gian cao điểm.
VATM tăng cường công tác quan trắc và dự báo khí tượng hàng không, chủ động và kịp thời thông báo, tư vấn các diễn biến thời tiết có ảnh hưởng đến hoạt động bay để có phương án điều hành bay hợp lý, hạn chế việc bay chờ, đi sân bay dự bị.
Các cảng vụ hàng không phối hợp chặt chẽ với sở giao thông vận tải và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các tuyến đường xung quanh khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Cảng vụ hàng không kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn khai thác, chất lượng dịch vụ của các hoạt động của các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, nghĩa vụ của các hãng hàng không Việt Nam đối với hành khách trong trường hợp chậm, huỷ chuyến./.