Từ đầu tháng Tư đến nay, giá cá lóc thương phẩm liên tục giảm và tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt khiến cho hàng trăm hộ nuôi ở Trà Vinh chọn giải pháp “treo ao,” tìm đối tượng nuôi khác.
Chỉ riêng huyện Trà Cú, đã có gần 300 hộ “treo ao” với diện tích khoảng 40ha mặt nước.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trà Cú cho biết vụ nuôi các lóc năm 2013 toàn huyện có gần 2.000 hộ thả nuôi trên diện tích hơn 200ha.
Cuối năm 2013, giá cá lóc thương phẩm bắt đầu giảm từ 42.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg và nay chỉ còn 26.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg cá lóc thương phẩm bình quân 30.000 đồng, người nuôi hiện phải chịu lỗ từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg.
Hơn nữa, do việc phát triển diện tích nuôi cá lóc ồ ạt, nông dân chưa nắm bắt tốt quy trình, kỹ thuật nuôi nên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng cá lóc bị nhiễm bệnh lở loét, đỏ thân, tuột nhớt, xuất huyết… dẫn đến chết hàng loạt, nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Hiện toàn huyện Trà Cú có hơn 30 hộ nuôi trên 1 triệu con cá lóc giống khoảng 30-60 ngày tuổi bị chết, gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Nghề nuôi cá lóc ở Trà Vinh không chỉ tập trung ở huyện Trà Cú mà hiện đã phát triển rộng ra các huyện Duyên Hải, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long với hơn 2.100 hộ nuôi thâm canh trên diện tích 230ha mặt nước.
Mặc dù trước đó, các ngành chức năng ở Trà Vinh đã liên tục khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc vì loại thủy sản này chỉ tiêu thụ nội địa, cung sẽ vượt cầu, giá cả sẽ xuống thấp dẫn đến thua lỗ, thế nhưng, nông dân trong tỉnh vẫn phá bỏ diện tích trồng mía, vườn cây ăn trái và cả đất trồng lúa để đào ao nuôi cá lóc dẫn đến hàng trăm hộ thua lỗ, lâm nợ.
Để giúp nông dân tận dụng diện tích ao nuôi tái sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện tiếp tục khuyến cáo, vận động những hộ có ao nuôi cá lóc không có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như không chủ động được nguồn nước, không có ao xả nước thải… nên chuyển sang nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính khi vào mùa mưa sắp tới nhằm ổn định sản xuất, tạo thu nhập./.