"Hết hồn" với những chuyến xe liên tỉnh mất an toàn đi Tây Nguyên

Hiện nay, hành khách từ Lâm Đồng đi các tỉnh Tây Nguyên, nhất là từ thành phố Đà Lạt đi thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), đang phải đi trên những chuyến xe mất an toàn.
"Hết hồn" với những chuyến xe liên tỉnh mất an toàn đi Tây Nguyên ảnh 1Một vụ tai nạn xe khách tại Lâm Đồng. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, hành khách từ Lâm Đồng đi các tỉnh Tây Nguyên, nhất là từ thành phố Đà Lạt đi thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đang phải đi trên những chuyến xe mất an toàn.

Đó là tình trạng xe không đón trả khách trong bến; không bán vé, không xếp ghế theo số cho khách; nhà xe ứng xử thiếu văn minh lịch sự, thậm chí lái xe có những hành vi đặc biệt nguy hiểm khi đang điều khiển phương tiện.

Ngày 7/12, phóng viên TTXVN tới bến xe khách tỉnh Lâm Đồng mua vé đi thị xã Gia Nghĩa. Tại quầy bán vé ủy thác, người bán vé cho biết bến không bán vé, khách phải gọi trực tiếp tới nhà xe để đặt chỗ.

Khi phóng viên gọi điện cho nhà xe Minh Long chuyên chạy tuyến này, người nghe điện thoại đã nhận đặt chỗ cho khách trên xe Ford Transit 16 chỗ, biển kiểm soát 49B 005.40. Từ thành phố Đà Lạt tới thị xã Gia Nghĩa, xe chạy khá an toàn dù xe cũ, bẩn và không bật điều hòa, cửa sổ mở, gió bụi lùa vào. Tuy nhiên, lái xe và phụ xe cùng hút thuốc, xả khói mù mịt trong xe mặc cho phụ nữ và trẻ em khó chịu . Khi hành khách hỏi lấy vé, phụ xe trả lời nhà xe không có vé, nếu khách cần thì họ sẽ mua cho nhưng phải trả tiền phần trăm.

Ngày 9/12, phóng viên từ Gia Nghĩa quay về Đà Lạt trên xe Ford Transit 16 chỗ của nhà xe Kim Thi, biển kiểm soát 49B 009.31. Trên suốt tuyến đường gần 200km này, nhà xe liên tục đón khách dọc đường, dù số khách đã nhiều gấp 2 lần số ghế trên xe. Những dãy ghế dành cho 4 người, giờ được xếp 6-7 người. Đáng ngại hơn là khi không còn chỗ nào để cho phụ xe đứng, phụ xe tên là Cò đã ngồi chung ghế với lái xe, thò một chân ra ngoài cửa sổ bên lái. Không những vậy, băng ghế trước chỉ cho phép ngồi 3 người, kể cả lái xe, nhưng nhà xe đã xếp tới 6 người. Bởi vậy, một hành khách cũng phải ngồi lấn sang ghế lái.

Người lái xe tên Vương bị ép cả 2 bên, co rúm lại, đánh lái rất khó khăn trên suốt cả quãng đường vài chục km đường đèo dốc hiểm trở. Nhiều hành khách chứng kiến cảnh đó đều rất hoảng sợ.

Cũng giống như nhà xe Minh Long, lái xe và phụ xe thi nhau hút thuốc lá, nhả khói mù mịt dù trong xe nhiều hành khách bị say xe.

Quay trở về thành phố Đà Lạt, phóng viên liên hệ với chủ nhà xe Minh Long để lấy vé xe theo quy định. Chủ nhà xe tên là Lộc, có 3 chiếc xe khách, là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đà Lạt. Sau nhiều cuộc gọi hẹn gặp, cuối cùng phóng viên mới gặp được người này trong nhà riêng, tại con hẻm cạnh chợ Bùi Thị Xuân.

Ông Lộc cho biết nhà xe có vé nhưng không bán tại bến và cũng không để trên xe. Ai có nhu cầu cần “xin” thì đến nhà, chủ nhà xe sẽ "cho."

Câu hỏi đặt ra là khi nhà xe không xuất vé cho hành khách, nếu xảy ra tranh chấp dân sự hoặc tai nạn liên quan đến bảo hiểm vật chất cho người bị nạn, các bên có liên quan sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết?. Ngành thuế sẽ căn cứ vào đâu để thu thuế kinh doanh của các nhà xe này?

Khi phóng viên đem những thông tin này làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở cho biết theo quy định, nhà xe đã ký hợp đồng ủy thác cho bến bán vé, khi xe xuất bến phải được kiểm soát số lượng hành khách, khách trên xe có vé chưa, được xếp chỗ ngồi đúng quy định không, có chở quá tải không...

Trong trường hợp này, các nhà xe không tổ chức bán vé và xuất vé cho hành khách, Sở sẽ tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định. Trường hợp nhà xe chở quá tải, nhồi nhét khách; cư xử thiếu văn minh lịch sự trên xe; điều khiển xe trong tình trạng mất an toàn... nếu xảy ra khi xe đã rời bến thì trách nhiệm thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông.

[Thủ tướng yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết]

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh có 92 đơn vị vận tải ôtô đang hoạt động. Tại thành phố Đà Lạt, chỉ có 2 bến xe tư nhân là Bến xe Phương Trang (trước đây là Bến xe khách tỉnh, từ năm 2008 đã chuyển giao cho tư nhân quản lý) và Bến xe Thành Bưởi. Theo quy định, tất cả các nhà xe vận tải hành khách phải hợp đồng ủy thác cho các bến bán vé và kiểm soát tình trạng ra vào bến.

Hiện tại, những nhà xe của các hợp tác xã vận tải hành khách vừa phải chịu thuế khoán hàng tháng, vừa phải chịu thuế trên đầu vé xe xuất ra; trong khi các công ty vận tải hành khách chỉ chịu thuế trên đầu vé. Có thể đó là nguyên nhân khiến các nhà xe này không tổ chức bán vé cho khách, để khỏi phải chịu 2 lần thuế.

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/11/2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 187 vụ tai nạn giao thông, làm chết 131 người, bị thương 117 người.

Tai nạn giao thường tăng vào những ngày cuối năm do nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, xảy ra tình trạng xe chở quá số người quy định; lái xe phải chạy tăng chuyến, chạy quá số km quy định trong ngày, dẫn đến không đảm bảo sức khỏe vận hành an toàn phương tiện giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục