Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Chỉ thị, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về ý nghĩa của việc “cách ly toàn xã hội “ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam tập trung vào ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, Việt Nam tổ chức phát hiện những ca bệnh xâm nhập, kể cả việc cách ly những người nhập cảnh.
Lúc đầu là cách ly từng bước, sau dịch bùng lên toàn thế giới thì Việt Nam thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh. Khi phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2 thì chúng ta thực hiện cách ly ở cơ sở y tế. Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn này nên đã hạn chế được việc lây nhiễm trong cộng đồng. Một số nước không làm tốt giai đoạn này nên dịch bùng phát rất nhanh.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, không một quốc gia nào có thể hạn chế được 100% dịch bệnh, bởi vì trước khi chúng ta thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên những chuyến bay trước đó có thể đã có những người đã mắc bệnh COVID-19 hoặc như trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh), nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng.
['Cách ly toàn xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước']
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những băn khoăn của người dân đối với cụm từ “cách ly toàn xã hội," nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng giải thích đơn giản: "Hiện tại, chỗ thì dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý... theo tôi, chẳng qua là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào."
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc đó (tiếp xúc xã hội) càng hạn chế được bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiều. Vậy thì, cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa.
Chúng ta cần hạn chế bằng cách thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ như nhà nào ở nhà đấy, xã nào ở xã đấy, huyện nào ở huyện đấy, tỉnh nào ở tỉnh đấy, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp... những yêu cầu này chẳng qua là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.
“Nói tóm lại, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan,” Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc người dân lại đổ dồn vào các siêu thị, cửa hàng mua sắm, tích trữ hàng hoá, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng người dân không nên đổ xô đi mua hàng hoá vào lúc này, vì Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá cho người dân. Việt Nam là đất nước của nông nghiệp, của sản xuất hàng tiêu dùng, chúng ta không thiếu hàng nhưng nếu chúng ta mua nhiều gây nên hiện tượng "thiếu ảo."
Người dân chỉ nên mua khi cần thiết, mua đủ dùng tránh trường hợp người khác không có mà mua. Chỉ khi thật sự cần thiết mới ra đường và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như đứng cách xa nhau 2 mét, đeo khẩu trang đầy đủ. Trách nhiệm này không chỉ của người dân mà còn là trách nhiệm của người quản lý siêu thị, bảo vệ siêu thị phải nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này.
"Thời điểm này, càng hạn chế tập trung ở siêu thị càng tốt vì chúng ta không biết có thiếu vật chất hay không nhưng chúng ta rất có thể đã bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ở những chỗ tập trung đông người," Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu cảnh báo./.