Hiểu lịch sử để đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của càphê thế giới

Hai triển lãm trong khuôn khổ Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột sẽ góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về ngành cũng như đóng góp vào mục tiêu đưa thành phố này là điểm đến của càphê thế giới.
Hiểu lịch sử để đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của càphê thế giới ảnh 1Trung Nguyên Legend đã khởi xướng, cùng thành phố Buôn Ma Thuột đưa càphê Việt Nam trở thành di sản văn hoá thế giới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với khát vọng xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ càphê toàn cầu, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 gồm một chuỗi hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh nghệ thuật về càphê cũng như giới thiệu quê hương, đất nước, con người, văn hóa, du lịch tỉnh Đắk Lắk đến với Nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ lễ hội, Trung Nguyên Legend là đơn vị tài trợ đặc biệt, phối hợp với ban tổ chức thực hiện nhiều hoạt động chính như Lễ hội đường phố và triển lãm chuyên đề “Lịch sử Càphê thế giới,” triển lãm ảnh nghệ thuật “Càphê Việt Nam - Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới.”

Tìm hiểu lịch sử càphê

Theo đó, Bảo tàng Thế giới Càphê được tỉnh Đắk Lắk chọn là điểm đến đặc biệt để tổ chức hai triển lãm về càphê được khai mạc vào sáng ngày 9/3. Ban tổ chức cho biết sự kiện đã thu hút hơn 5.000 lượt khách tham quan trực tiếp và hàng nghìn lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến ngay trong ngày đầu khai mạc.

Đại diện Bảo tàng Thế giới Càphê (Tập đoàn Trung Nguyên Legend) chia sẻ dựa trên những khảo luận của “Càphê triết đạo,” nội dung triển lãm chuyên đề “Lịch sử càphê thế giới” được đơn vị này xây dựng với ba nội dung chính, xuyên suốt hơn 12 thế kỷ của ngành càphê thế giới và Việt Nam, gồm: Văn minh càphê Ottoman, Văn minh càphê Roman, Văn minh càphê Thiền cùng thông điệp “cả vũ trụ trong một tách càphê.”

[Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023]

Điểm đặc biệt của triển lãm là có hai khu vực trưng bày trong lòng Bảo tàng Thế giới Càphê và khuôn viên ngoài trời, giúp tất cả du khách tới Buôn Ma Thuột đều có thể tham quan miễn phí.

Chị Phạm Hải An, du khách đến từ Nha Trang hào hứng cho biết ở không gian trưng bày triển lãm ngoài trời “vành đai Càphê” đã giúp chị hiểu rằng có 51 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm dọc theo đường xích đạo mới có điều kiện thổ nhưỡng giúp cây càphê sinh trưởng và phát triển, trong đó có Việt Nam.

“Từ đây, tôi hiểu hơn về lịch sử và quá trình phát triển ngành càphê, sản lượng càphê trồng được, loại càphê nổi tiếng, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng cũng như giá trị ngành càphê đóng góp cho từng nền kinh tế.... thuộc mỗi quốc gia. Hơn nữa, không gian trưng bày triển lãm trong lòng Bảo tàng Thế giới Càphê rất sáng tạo, độc đáo với sự kết hợp giữa nội dung và hiện vật đã giúp mỗi khu vực trưng bày trở thành một không gian nghệ thuật,” chị An nói.

Điểm đến của càphê thế giới

Với lịch sử hơn 12 thế kỷ, càphê đi sâu vào đời sống trở thành văn hoá của nhiều vùng đất, nhiều quốc gia và trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, được UNESCO công nhận như càphê Vienna (Áo), Cảnh quan văn hoá càphê Colombia, càphê Thổ Nhĩ Kỳ (hay còn gọi là càphê Ottoman), Nghi thức càphê Arab...

Theo đại diện của Trung Nguyên Legend, gần 2 thế kỷ phát triển kể từ khi càphê du nhập vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới và có sản lượng xuất khẩu Robusta thứ nhất thế giới cả về chất và lượng.

“Theo tầm nhìn của Trung Nguyên Legend, ngành càphê Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD trong chuỗi giá trị càphê  toàn cầu nếu có chiến lược đúng,” vị đại diện này cho biết.

Hiểu lịch sử để đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của càphê thế giới ảnh 2Du khách tìm hiểu nội dung 'vành đai cà phê' của triễn lãm chuyên đề 'Lịch sử cà phê thế giới.' (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện Trung Nguyên Legend cho hay đơn vị này cũng đồng hành cới Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Càphê của thế giới.” Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục khởi xướng và cùng Buôn Ma Thuột nỗ lực đưa càphê Việt Nam trở thành di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận.

Bởi vậy, tại Lễ hội Càphê lần này, Trung Nguyên Legend đã phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Càphê tỉnh Đắk Lắk, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Càphê Việt Nam - Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới” nhằm tôn vinh ngành Càphê cũng như văn hoá thưởng thức càphê phin, càphê sữa đá của người Việt trong hành trình kiến tạo một di sản văn hoá thế giới.

Với hơn 1.100 tác phẩm dự thi của hơn 170 tác giả đến từ hơn 30 tỉnh thành cả nước, ban tổ chức cuộc thi đã trao 4 giải đặc biệt dành cho 4 tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất và 10 giải khuyến khích và 1 giải do cộng đồng bình chọn.

Bà H’yim Kđoh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh triển lãm lần này nhằm thể hiện được mục tiêu nâng tầm thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột trên toàn cầu, xây dựng văn hóa cà phê, cũng như khẳng định vị thế của thành phố Buôn Ma Thuột - điểm đến của càphê thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục