Ngoài việc tối ưu hóa luồng tuyến, xe buýt thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới nhờ việc đầu tư thay thế các phương tiện, nâng cao chất lượng và dịch vụ nhằm thu hút người dân lựa chọn loại hình vận tải công cộng.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vào sáng ngày 31/12, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô đang đứng trước những thách thức, đặc biệt là việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Đặc biệt, ông Hùng thừa nhận ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến hiện đang trong thời gian thi công các công trình giao thông là một trong số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của thành phố.
Theo ông Hùng, thành phố đang triển khai rất quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ để sớm giải quyết những vấn đề trên, trong đó có giải pháp về phát triển và tăng cường năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và hệ thống hạ tầng bến bãi.
[Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước]
Ông Hùng cũng đánh giá Transerco đã thực hiện rất tốt các chỉ đạo của thành phố như ưu tiên tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt, đầu tư thay mới cơ bản toàn bộ các xe buýt cũ trên 10 năm sử dụng, phát triển thêm các tuyến buýt mới mở rộng vùng phục vụ và tăng cường kết nối với sân bay, không có trợ giá; đầu tư các dự án bãi đỗ xe, khu phục vụ xe buýt nhằm hiện thực hóa quy hoạch giao thông tĩnh của thành phố…
“Hình ảnh xe buýt Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều đổi mới bước ngoặt cả về chất và lượng, mạng lưới của xe buýt ngày càng hoàn thiện tính kết nối và mở rộng. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ xe buýt đang được kiểm soát tốt và chuyển biến theo hướng tích cực, sản lượng hành khách đi thường xuyên tăng trưởng. Xe buýt Hà Nội đã thể hiện những ưu điểm nổi trội hơn so với các tỉnh thành trên cả nước,” ông Hùng nhấn mạnh.
Đưa ra kế hoạch triển khai năm 2020, Phó Chủ tịch Hùng yêu cầu Transerco nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt theo đề án đã được thành phố thông qua đồng thời thực hiện rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới, phát triển các tuyến buýt mới và mở rộng phạm vi hoạt động của các tuyến buýt để tăng cường kết nối và hoàn thiện mạng lưới; triển khai các tuyến buýt kết nối giữa các đầu mối giao thông sân bay, nhà ga, bến xe, các tuyến buýt kế cận góp phần giảm phương tiện cá nhân vào nội đô.
Transerco và các đơn vị bến bãi tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác trật tự, an ninh, an toàn tại các bến xe, bãi đỗ xe; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý điều hành bến xe; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe góp phần phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Transerco, đơn vị này đã mở thêm 4 nhánh tuyến buýt mới; mở mới tuyến xe buýt chất lượng cao, không trợ giá số 68 (Hà Đông-sân bay Nội Bài); điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt, bổ sung kết nối các tuyến buýt với bến xe Nước Ngầm và mở rộng vùng phục vụ tới các xã chưa có xe buýt trợ giá thuộc huyện Mê Linh, Sóc Sơn; hoàn thiện phương án điều chỉnh luồng tuyến, tần suất đối với một số tuyến buýt, kết nối trung chuyển hành khách khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khi đi vào khai thác thương mại...
Sau khi thành phố thực hiện chính sách miễn phí vé xe buýt cho người cao tuổi trong các tháng cuối năm, theo số lượng báo cáo đến nay, cơ quan quản lý đã phát hành được trên 250.000 thẻ miễn phí xe buýt cho hành khách người cao tuổi, bằng với tổng số lượng vé tháng đang lưu hành thường xuyên.
“Nếu cộng cả số lượng vé tháng đang lưu hành và thẻ đi xe buýt miễn phí, tổng số hành khách sử dụng xe buýt thường xuyên đã tăng gấp đôi so với thời điểm chưa áp dụng miễn phí vé xe buýt. Hiện tại, Transerco vẫn đang tiếp tục nhận khoảng 400 đơn đăng ký làm thẻ xe buýt miễn phí mỗi ngày,” ông Nam cho hay./.