Ngày 18/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh COVID-19 vì phát triển bền vững” theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, phụ nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo cơ hội để tham gia thực chất và đóng góp hiệu quả trong sự chuyển đổi mang tính cách mạng này.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm...
Theo bà Hà Thị Nga, tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và tiếp tục thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đây là một thời điểm quan trọng khi các cấp Hội Phụ nữ đang bước vào một nhiệm kỳ mới, hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sẽ là một trong những chủ trương quan trọng để Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2022, nghiên cứu và thông qua.
[Phát huy tiềm năng và sự sáng tạo không ngừng của phụ nữ Việt Nam]
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyển đổi số giúp phụ nữ mở rộng hơn cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin và tri thức của nhân loại, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp song chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ.
Đó là sự thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gia tăng áp lực về dịch chuyển lao động, nguy cơ thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, gia tăng khoảng cách giới.
Bên cạnh đó còn nguy cơ không nhỏ đối với nhiều phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới.
“Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước," ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thanh, thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng hội thảo hôm nay là ví dụ điển hình về việc công nghệ đã giúp con người giao tiếp với nhau mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Đó chính là chuyển đổi số, cho phép chúng ta tương tác với nhau trên nền tảng internet.
Theo ông Thanh, vào thời điểm này 2 năm trước, không phải ai cũng biết về Zoom hay Teams... nhưng giờ đây, trong trạng thái bình thường mới, rất nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải làm quen với các ứng dụng trực tuyến này.
“Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những nhu cầu mới, con người bắt đầu dịch chuyển nhiều hơn sang kinh doanh trực tuyến, giao tiếp trực tuyến, giáo dục trực tuyến, và đương nhiên là tương tác với các cơ quan tổ chức của chính quyền trên nền tảng trực tuyến. Dù tin hay không, mọi thứ sẽ không quay trở lại trạng thái bình thường cũ trước kia," ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi thông tin, sáng kiến, kinh nghiệm; đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chuyển đổi số cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới - chung sống chủ động, an toàn với COVID-19; đồng thời quan tâm hơn và tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đối tác trong và ngoài nước chung tay đồng hành với phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số./.