Hòa Bình: Người dân "đánh đu với tử thần" khi qua cầu treo xuống cấp

Mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người lưu thông qua hai cây cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Cầu treo bị xuống cấp nghiêm trọng ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Thanh Hải/Vietnam+)

Địa bàn xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có hai cây cầu treo là cầu Xóm Be và Hai Ót, bắc qua sông Bưởi. Hai cây cầu này cũng là con đường nối xã Chí Đạo với các xã khác của huyện Lạc Sơn. Mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người lưu thông qua khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay, hai cây cầu treo này đã xuống cấp nghiêm trọng, các dây cáp, lan can bằng sắt đã hoen rỉ, rệu rã, những tấm ván gỗ đã mục nát, gẫy rụng, chỉ trực chờ rơi xuống sông Bưởi bất cứ lúc nào.

Được đưa vào sử dụng năm 2012, chỉ sau 2 năm, các ván gỗ trên mặt hai cây cầu treo đã bị mục nát và hư hỏng hoàn toàn theo thời gian. Từ năm 2014 đến nay, để khắc phục tạm thời phục vụ việc đi lại, chính quyền xã Chí Đạo đã vận động người dân cứ khoảng 3 đến 4 tháng lại chặt cây tre, cây bương, tấm gỗ để vá víu sửa cầu.

[Cần sớm có kết luận nguyên nhân sự cố tụt cáp cầu treo ở Sơn La]

Ông Bùi Văn Bôn, Trưởng xóm Be bày tỏ, người dân đã rất nỗ lực để khắc phục mặt cầu bằng các vật liệu thay thế như cây tre, bương...Những cây tre, bương thường được xếp với nhau, không có dây buộc nẹp, tạo ra khoảng trống, có chỗ rộng hơn 40cm, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua cầu. Nguy hiểm nhất là học sinh hàng ngày đi qua cầu để đến trường. Nếu không có người lớn đưa qua, nguy cơ bị rơi xuống sông luôn hiển hiện.

Em Nguyễn Minh Quân, 9 tuổi, học lớp 4A1, Trường Tiểu học Chí Đạo cho biết buổi sáng, em đi học phải có bố mẹ đưa đi hoặc nhờ người lớn đưa đi qua cầu Hai Ót vì trên cầu có nhiều lỗ hổng to, dễ bị thụt và rơi xuống sông. Thực tế đã có em bị rơi cả xe đạp xuống sông khi đi qua cây cầu này.

Nguy hiểm nhất là học sinh hàng ngày đi qua cầu để đến trường. (Ảnh: Thanh Hải/Vietnam+)

Ông Bùi Văn Nhung nhà ở xóm Ót Trên đã chứng kiến và trực tiếp cứu hộ nhiều vụ xe máy, xe đạp bị lọt xuống cầu Hai Ót cho biết: Sáng sớm, buổi trưa, thậm chí lúc 2-3 giờ vẫn có người kêu cứu. Ở vị trí cầu Hai Ót, lòng sông Bưởi sâu đến 7m. Vị trí này đã có 7 trường hợp bị đuối nước.

"Nhà tôi ở ngay gần cầu nên nghe mọi người kêu cứu, không thể làm ngơ được. Với tình trạng xuống cấp như hiện nay, việc lưu thông qua cầu rất nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, sửa chữa lại mặt cầu để an tâm đi lại,” ông Bùi Văn Nhung nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chí Đạo Quách Thanh Tuấn cho biết, Chí Đạo là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, địa hình ngăn cách bởi sông Bưởi. Địa bàn xã có hai cây cầu treo được Nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 2012. Đến nay, cả hai cây cầu đã xuống cấp.

Chính quyền địa phương và người dân đã huy động nguồn lực để tu sửa hàng năm, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹn nên việc tu sửa chưa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Qua các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, xã đã có kiến nghị. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng, sửa chữa hai cây cầu treo này. Chính quyền xã Chí Đạo mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình khẩn trương sửa chữa cây cầu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục