Hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ về quản lý thị trường bất động sản

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với nhà ở xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ về quản lý thị trường bất động sản ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 8/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023," chủ trì Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát được thành lập theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

[Giám sát việc quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội]

Mục đích giám sát nhằm đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Về phạm vi, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ về quản lý thị trường bất động sản ảnh 2Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Về nội dung giám sát, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, Đoàn sẽ tập trung giám sát về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; việc triển khai các dự án bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản...

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, Đoàn tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành Dự thảo Kế hoạch chi tiết, Đề cương của Đoàn giám sát đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể liên quan đến: phương pháp giám sát; thời gian triển khai các hoạt động cụ thể trong quá trình giám sát; lựa chọn địa phương giám sát thực tế...

Hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ về quản lý thị trường bất động sản ảnh 3Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ thị trường bất động sản hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp; được đánh giá là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.

Song hiện nay, thị trường này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Yêu cầu cơ bản, xuyên suốt là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường.

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, với tốc độ nhanh, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách...

Những đối tượng này khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nhà ở đô thị ngày càng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với nhà ở xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.

Khẳng định một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Đoàn Giám sát là phải đề cao trách nhiệm, góp phần "giải mã" được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu rà soát, điều chỉnh về tiến độ làm việc với bộ, ngành, địa phương, không dồn lịch làm việc vào giai đoạn cuối, tránh bị động; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng nội dung trong từng Đề cương báo cáo của các chủ thể là đối tượng chịu sự giám sát ở trung ương (Chính phủ và các bộ, ngành) cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý của mỗi chủ thể được giao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.