Hội đồng CPTPP lên kế hoạch thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh

Bộ trưởng 11 nước thành viên CPTPP sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các thành viên, tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 1/9 do Nhật Bản chủ trì.
Hội đồng CPTPP lên kế hoạch thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh ảnh 1Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, cuộc họp vào ngày 1/9 của bộ trưởng các nước thành viên CPTPP sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của nước này. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các bộ trưởng 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã lên kế hoạch nhóm họp trực tuyến vào ngày 1/9 tới.

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người đang phụ trách đàm phán về CPTPP của Nhật Bản, cho biết cuộc họp sắp tới của Hội đồng CPTPP - cơ quan ra quyết định cao nhất của CPTPP - sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Nhật Bản.

Tại cuộc họp này, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 11 nước thành viên.

[Anh hướng tới hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP vào cuối năm 2022]

Liên quan tới đơn xin gia nhập CPTPP của Anh, hãng tin Jiji Press dẫn lời Bộ trưởng Nishimura cho biết Nhật Bản đang “hợp tác chặt chẽ với Anh và đang tiến hành các công việc cần thiết” để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Tháng Hai vừa qua, Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đây là nước đầu tiên xin gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Đầu tháng Sáu vừa qua, các nước thành viên CPTPP nhất trí khởi động đàm phán về đơn xin gia nhập của Anh.

Được ký kết tại Chile vào tháng 3/2018, CPTPP hiện có 11 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 sau khi được Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore thông qua và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.