Hội nghị An toàn Giao thông: Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết văn hóa giao thông luôn tác động một cách trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông.
Hội nghị An toàn Giao thông: Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ảnh 1Cảnh sát giao thông thành phố Tuyên Quang phân luồng giao thông trên các tuyến phố tập trung đông người. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023, sáng 28/9, các phiên thảo luận của 3 Tiểu ban: quản lý an toàn giao thông, kinh nghiệm quốc tế và phương tiện giao thông đã diễn ra.

Đây là hội nghị thường niên do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức. Hội nghị năm nay thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.

Phiên thảo luận của Hội nghị diễn ra trong hai ngày 28-29/9, thực hiện qua hình thức trực tuyến với 8 tiểu ban, thảo luận về các chủ đề: quản lý an toàn giao thông, hạ tầng và tổ chức giao thông, an toàn giao thông đường sắt, người tham gia giao thông, an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải, kinh nghiệm quốc tế, phương tiện giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông.

Phiên toàn thể sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023.

Tại phiên thảo luận, liên quan đến chủ đề quản lý an toàn giao thông, các đại biểu đã thông tin, trao đổi nhiều nội dung về chế tài của pháp luật đối với người đi bộ băng ngang qua đường không đúng nơi quy định; vai trò của văn hóa giao thông đối với đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chuyển đổi số trong quản lý hoạt động vận tải thông qua kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông Vận tải với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…

Đề cập đến những hậu quả của việc băng ngang đường không đúng nơi quy định, Thạc sỹ Đoàn Công Thức đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những năm qua, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ khá cao, chiếm tỷ lệ đáng lo ngại trong số những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Phần lớn các vụ tai nạn trên xảy ra do người đi bộ tùy tiện băng qua đường, làm người điều khiển phương tiện không kịp xử lý, va chạm trực tiếp với người đi bộ; hoặc xe cơ giới tránh người đi bộ nên gây ra tai nạn với các phương tiện khác cùng lưu thông.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.977 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 6.857 người và bị thương 11.161 người. Trong số đó, 321 vụ (chiếm 2,2%) là do người đi bộ không tuân thủ quy định giao thông khi qua đường, dẫn đến tử vong của 144 người (chiếm 2,1%).

[Chương trình Hành động của Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông]

Dựa trên các vụ việc thực tế, ông Đoàn Công Thức đã phân tích các quy định của pháp luật có liên quan đến các tình huống đi bộ băng qua đường không đảm bảo an toàn, gây tai nạn cho người tham gia giao thông, cũng như gây tai nạn cho chính bản thân; những chế tài pháp lý họ có thể phải đối mặt (bị xử lý hành chính hoặc xử phạt hình sự); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định giao thông và khuyến khích các hành vi an toàn để tránh bị phạt và nguy cơ tai nạn.

Trao đổi về vấn đề văn hóa giao thông, Thạc sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài. Khi đã xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông, nó sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.

“Trật tự và sự an toàn khi tham gia giao thông chỉ có thể có được khi các cá nhân có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Văn hóa giao thông luôn tác động một cách trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông,” ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.

Theo ông, xây dựng văn hóa giao thông không chỉ có vai trò quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân đạo, nhân văn, cao cả.

Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông, việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan.

Trong điều kiện giao thông của đất nước còn nhiều hạn chế, khó khăn, đặc biệt là số lượng và chất lượng các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tham gia giao thông, ý thức tôn trọng người cùng tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người khuyết tật trong việc sử dụng các phương tiện, dịch vụ giao thông công cộng nói riêng và quá trình tham gia giao thông nói chung chỉ có thể được hình thành và duy trì trên cơ sở nền tảng văn hóa giao thông của mỗi cá nhân.

Hội nghị An toàn Giao thông: Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ảnh 2Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông tại KhuCcông nghiệp Vân Trung. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

“Văn hóa giao thông thôi thúc con người từng bước khắc phục sự thờ ơ, vô cảm với những người yếu đuối, những người cần được giúp đỡ trong những hoàn cảnh giao thông cụ thể,” ông Nguyễn Thanh Tuấn đúc kết.

Một chủ đề khác nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đó là kinh nghiệm quốc tế trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Nêu kinh nghiệm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của người điều khiển xe ôtô, xe gắn máy tại châu Âu, Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh, Học viện Cảnh sát Nhân dân, cho biết thập kỷ qua (2011-2021), châu Âu chứng kiến 45.000 người điều khiển xe môtô, xe gắn máy tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.

Số người điều khiển xe môtô, xe gắn máy tử vong giảm 25%, từ 5.216 người năm 2011 so với 3.891 người năm 2021. Số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ đối với các phương tiện khác giảm 33% so với cùng kỳ.

Dữ liệu thống kê cho thấy tốc độ không phù hợp (lái xe quá tốc độ đối với các hoạt động giao thông thông thường và điều kiện môi trường) là yếu tố gây ra 22% các vụ tai nạn đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy. Bên cạnh đó, hành vi thiếu quan sát là nguyên nhân chiếm đến 38% các vụ tai nạn liên quan những phương tiện này.

Đặc biệt, 64% người điều khiển tử vong hoặc bị thương nặng trong các vụ tai nạn do bị mất kiểm soát tại một khúc cua hoặc đường cong. Các yếu tố khác như độ tuổi, kỹ năng hoặc kinh nghiệm cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Do đó, cần tiến hành các biện pháp can thiệp khác nhau nhằm nâng cao mức độ an toàn cho người điều khiển xe môtô, xe gắn máy.

Các quốc gia ở châu Âu đã tiến hành nâng cao kỹ năng cho người điều khiển xe môtô, xe gắn máy; cung cấp môi trường an toàn hơn cho người điều khiển và bảo đảm yếu tố an toàn kỹ thuật của phương tiện, cũng như tăng cường các hoạt động cưỡng chế xử lý vi phạm.

Các chiến lược thực thi hiệu quả không nhằm tăng mức xử phạt mà tăng khả năng bị phát hiện theo cảm nhận của người lái xe. Tại Việt Nam, tai nạn giao thông liên quan đến xe môtô, xe gắn máy cũng là một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Có thể xem xét áp dụng các biện pháp can thiệp đã được tiến hành tại các quốc gia ở châu Âu vào điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe môtô, xe gắn máy trong thời gian tới,” Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục