Ngày 28/5, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị thường niên lần thứ 9 của Chương trình "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết" đã diễn ra với sự tham gia của 50 nhà khoa học đến từ chín quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đang là thách thức lớn đối với y tế công cộng. Dịch này thường xuất hiện rải rác trong năm và đạt đỉnh từ tháng Bảy đến tháng 10. Trung bình mỗi năm có 100.000 ca mắc, trong đó có khoảng 100 trường hợp tử vong.
Vì vậy, Việt Nam rất quan tâm đến các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh này.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học cập nhật kết quả nghiên cứu của chương trình trên thực địa tại Australia, Việt Nam và Indonesia đồng thời thảo luận về kế hoạch tiếp tục triển khai thử nghiệm trên thực địa tại ba nước nói trên và ở các nước Brazil, Colombia, Trung Quốc.
Theo giáo sư Scott Oneill - Giám đốc Chương trình "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết," dự án sẽ mở rộng ứng dụng thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa, nơi có sự lưu hành dịch sốt xuất huyết quanh năm, nhằm đánh giá hiệu quả giảm lan truyền bệnh này của vi khuẩn Wolbachia. Tuy nhiên, dự án chỉ triển khai mở rộng khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý và cộng đồng.
Chương trình "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết" là dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế phi lợi nhuận của các nước Việt Nam, Australia, Indonesia, Brazil, Colombia, Trung Quốc, Anh, Singapore và Mỹ.
Tại Việt Nam, dự án được Bộ Y tế cho phép triển khai từ năm 2006, tại đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang. Tháng 4/2013, dự án bắt đầu triển khai ứng dụng thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên thực địa đảo Trí Nguyên. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Australia, triển khai thử nghiệm muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa.
Hội nghị kết thúc ngày 31/5/2014./.