Nhà ga T3 và các công trình phụ trợ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng sẽ ngốn khoảng 11.400 tỷ đồng, với thời gian triển khai thi công và hoàn thành trong 43 tháng.
Đây là nội dung tại báo cáo chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải.
Giải thích lý do cần thiết phải xây dựng nhà ga T3, phía ACV cho rằng, sự tăng trưởng “nóng” của thị trường hàng không thời gian qua đã tạo áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không tại các Cảng hàng không, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang phải khai thác quá tải so với công suất thiết kế.
[ACV sẽ nâng cấp, mở rộng 18 cảng hàng không giai đoạn 2018-2025]
Trong các năm tới, dự báo nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến 2020 và giai đoạn đến 2025 khoảng 6-10%. Đến khi sân bay Long Thành đi vào khai thác vào năm 2025, nhu cầu khai thác dự báo ở Tân Sơn Nhất sẽ ở mức khoảng 45-50 triệu hành khách. Vì vậy, ACV đánh giá việc cấp thiết hiện nay là phải tiếp tục nâng công suất nhà ga hành khách.
Hơn nữa, hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang triển khai một số dự án mở rộng sân đỗ máy bay và sẽ hoàn thành vào quý 1/2019 để nâng số lượng vị trí đỗ máy bay từ 50 vị trí hiện nay lên 87 vị trí. Đặc biệt, 29 vị trí đỗ máy bay mới tại khu 19,7ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là những vị trí rất xa nhà ga T1 và T2 hiện hữu nên gây khó khăn trong tổ chức khai thác và làm giảm hiệu quả kinh tế.
Qua việc phân tích các lý do này, ACV nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại trước sân đỗ máy bay khu vực 19,7ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo đó, nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 100.000m2. Thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác khoảng 43 tháng (dự kiến từ quý 4/2018 đến quý 2/2022).
Công tác giải phóng mặt bằng do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thực hiện, thời gian thực hiện tối đa 18 tháng, yêu cầu bàn giao mặt bằng sạch trên diện tích 16ha cho ACV chậm nhất vào đầu quý 2/2020 để đảm bảo thời gian khởi công xây dựng theo kế hoạch.
Dự án có tổng mức đầu tư là 11.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn doanh nghiệp của ACV và ACV góp vốn thành lập công ty cổ phần (với các phương án ACV nắm giữ 65%, 51% và 36%). Thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 23 năm.
Về tiến độ triển khai dự án, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV cam kết sẽ triển khai ngay dự án theo đúng quy định của pháp luật và với thời gian nhanh nhất. Việc giao cho ACV thực hiện dự án được cho là sẽ rút ngắn tiến độ đáng kể so với phương án xã hội hóa đầu tư, phải trải qua quá trình xây dựng và phê duyệt tiêu chí, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...
Với vai trò, năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư phát triển, quản lý khai thác cảng hàng không của ACV, với tính chất khai thác, quy mô đồng bộ của dự án trong chuỗi hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như với hệ thống 22 cảng hàng không, việc ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không, kịp thời giải tỏa ách tắc tại Tân Sơn Nhất trong thời gian triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.