Ngày 15/9, Hội thảo chuyên đề văn hóa-di sản do tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Nimes của Pháp đồng chủ trì đã diễn ra tại Cần Thơ.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững các di sản văn hóa, xử lý nước thải cho vùng lõi các trung tâm thành phố...
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10, diễn ra từ ngày 14-16/9, tại Cần Thơ.
Tại hội thảo chuyên đề này, các đại biểu của 2 bên đã cùng có chung quan điểm: nước là nguồn tài nguyên toàn cầu, có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các quốc gia.
Vì thế, các quốc gia trên thế giới cần chung tay bảo vệ nguồn nước. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc thực hiện các công trình làm sạch, bảo vệ sông Seine của Pháp, Nghiệp đoàn xử lý nước thải vùng Paris (SIAAP) đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp cải tạo hệ thống thoát nước cho thành phố Huế.
Cụ thể, nghiệp đoàn này đã khai thông hồ nước, kênh rạch sông Ngự Hà, xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ rác thông qua hệ thống đầm lắng và bãi lọc, hệ thống bảo vệ sông Ngự Hà bằng van hơi tự động, khôi phục hồ Võ Sanh và Tân Miếu...
Thông qua các công nghệ của Nghiệp đoàn xử lý nước thải vùng Paris, các đơn vị chức năng có liên quan tại Huế được tăng cường năng lực kỹ thuật trong việc xử lý nước thải vùng lõi thành phố Huế. Từ đó góp phần bảo tồn các di sản của cố đô, tăng cường phát triển mô hình du lịch di sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tại Thừa Thiên-Huế, hiện Việt Nam và Pháp đang đẩy mạnh dự án phát triển du lịch sinh thái, công viên quốc gia Bạch Mã.
Tư liệu, hiện vật được thu thập từ nhiều nguồn như từ các thư viện quốc gia, các gia đình lâu đời sinh sống tại địa phương, di chỉ khảo cổ… đã được sử dụng để tái dựng lại chân thực khu di tích này.
Dự kiến sau khi hoàn thành, khu di tích sẽ mang đúng hình hài kiến trúc nguyên thủy, thậm chí một số loài cây đặc thù của vùng cũng sẽ được phục hồi bằng công nghệ sinh học hiện đại.
Các cơ quan khảo cổ học Toulouse, Đại học La Rochelle của Pháp, cũng như các đơn vị chức năng của Việt Nam đều đồng quan điểm cho rằng các di sản, công trình văn hóa lớn ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… hiện đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng do thời gian và quá trình đô thị hóa, cũng như sự vô ý thức của con người.
Các đô thị này luôn đứng trước thách thức phải thỏa mãn việc phát triển kinh tế song song với bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị...
Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn có một vấn đề nữa liên quan đến bảo tồn các tòa biệt thự cũ tại khu vực trung tâm thành phố trong mối tương quan về kiến trúc đô thị hiện đại, lợi ích chủ sở hữu cũng như những lợi ích cộng đồng.
Pháp đã và đang nghiên cứu tỉ mỉ nhiều tài liệu gốc, kết hợp với công nghệ và vật liệu xây dựng hiện đại để triển khai các dự án khôi phục, bảo tồn các tòa biệt thự cổ này.
Song, các chuyên gia Pháp cũng cho rằng việc tuyên truyền để người dân hiểu giá trị của di sản và cùng chung tay bảo vệ tài sản quốc gia mới là giải pháp lâu dài, bền vững./.