“Có nhận thức, có nghị quyết Trung ương, có chiến lược… nhất định chúng ta sẽ huy động được mọi nguồn lực trong xã hội tập trung cho mục tiêu phát huy lợi thế của cơ cấu dân số Việt Nam, phù hợp với xu thế mới để có quy mô, cơ cấu, phân bố thật hợp lý, có chất lượng thật cao.
Làm sao để mọi người Việt Nam khi sinh ra đều được chăm sóc tốt nhất trong khả năng có thể, bình đẳng và có cơ hội tương lai như nhau”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12), diễn ra sáng 10/12, tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác dân số hiện nay không chỉ đơn giản là kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm sức khoẻ bà mẹ, trẻ em hay mọi người dân mà vấn đề dân số và phát triển đã bao trùm hơn rất nhiều. Đây không còn là chức năng của riêng Bộ Y tế, mà là công việc của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và từng người dân.
Chất lượng dân số không chỉ nằm ở chăm sóc sức khoẻ y tế, thể chất mà người dân còn phải khoẻ mạnh về tinh thần ở cả người cao tuổi lẫn người trẻ, trẻ em. Làm sao mỗi đứa trẻ được sinh ra, các bậc cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái mình tốt nhất, bình đẳng về cơ hội.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Điều đó đòi hỏi phải thay đổi cung cách quản lý, vận động trong công tác dân số. Nhưng đến giờ phút này, nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, xã hội vẫn chưa đầy đủ.”
Phó Thủ tướng dẫn chứng: Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã ban hành được 2 năm nhưng vẫn chưa có một cơ cấu, tổ chức cần thiết để tất cả các bộ ngành phải vào cuộc, mà chỉ gần như khoán gọn cho Bộ Y tế, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình. Quan trọng nhất là phải nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết của công tác dân số, từ đó mới tìm mọi cách để thực hiện hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý phải tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới, không giới hạn ở công tác kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản mà trở thành lực lượng nòng cốt trong các lĩnh vực liên quan đến dân số như: Phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người già…
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian qua công tác dân số đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 13 năm qua, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực.
Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Cũng theo ông Tú, những năm qua tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn.
Đó là mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên lại có mức sinh rất cao.
Đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng, lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ; Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng với già hóa dân số; Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Trong Tháng hành động Quốc gia về Dân số, Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới./.
Ngày 26/11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động Quốc gia về Dân số. Năm nay, Tháng hành động Quốc gia về Dân số được Bộ Y tế phát động với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”. |