Các nhà lập pháp Hy Lạp vừa thông qua dự thảo ngân sách 2019, với nhiều biện pháp “khắc khổ” hơn, ghi dấu ngân sách đầu tiên không có cứu trợ tài chính từ bên ngoài sau gần 10 năm.
Dự thảo ngân sách mới sẽ vẫn chú trọng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm đảm bảo Hy Lạp đạt thặng dư ngân sách, phù hợp với thỏa thuận giảm nợ với các chủ nợ quốc tế.
Tuy vậy, trong ngân sách mới vừa được thông qua, Chính phủ Hy Lạp đã dành khoản hỗ trợ 900 triệu euro (1 tỷ USD) dưới hình thức cắt giảm thuế cũng như các chương trình an sinh xã hội nhằm hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. Theo ngân sách mới, Hy Lạp hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,1% năm 2018 và 2,5% năm 2019, với nợ giảm từ 180,4% GDP trong năm nay xuống còn 167,8% GDP trong năm tới.
Các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang nắm giữ phần lớn các khoản nợ của Hy Lạp và thỏa thuận giảm nợ có đi kèm với yêu cầu Athens đạt thặng dư ngân sách trong những thập kỷ tới. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 8/2018 , Hy Lạp lệ thuộc vào các chương trình cứu trợ và buộc phải tiến hành các biện pháp “khắc khổ” để nhận được hỗ trợ tài chính.
[Hy Lạp cải tổ Nội các để tiếp thêm sinh khí cho phát triển kinh tế]
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã tiếp nhận các khoản vay có tổng giá trị 289 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế. Đổi lại, Athens buộc phải thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" và thúc đẩy các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ trong những lĩnh vực như năng lượng, hưu trí và lao động.
Tuy nhiên, Hy Lạp mới đây đã đạt thặng dư ngân sách cơ bản (chưa trừ các khoản dùng để trả nợ) lớn hơn dự kiến. Trước đó, ngày 20/11, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu Mario Centeno đã ca ngợi những tiến bộ của Hy Lạp, cho rằng kết quả này của Hy Lạp là rất “ấn tượng.”
Theo ông Centeno, các số liệu gần đây cho thấy Hy Lạp có khả năng vượt qua các mục tiêu tài chính trong năm thứ ba liên tiếp, bao gồm mức thặng dư ngân sách 3,5% GDP. Hy Lạp đã cam kết duy trì mức thặng dư này đến năm 2022 và dự kiến đạt thặng dư ngân sách 3,98% GDP trong năm nay./.