Khép lại kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) ngày 19/10, IMF đã cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu “vô cùng bất ổn” trước tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng thời cho rằng cần phải gia tăng áp lực để các quốc gia tuân thủ các quy định thương mại toàn cầu.
Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, cơ quan hoạch định chính sách của IMF, cho biết tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ tăng tốc trong năm tới, nhưng triển vọng này vô cùng bất ổn và khó tránh khỏi những nguy cơ ngày càng gia tăng, bao gồm căng thẳng thương mại, sự bất ổn về chính sách và các nguy cơ địa chính trị.
Kỳ họp thường niên của IMF và WB diễn ra tại Washington trong bối cảnh những lo ngại ngày càng gia tăng về đà giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và sự suy yếu của hoạt động thương mại.
Sau cuộc họp của Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng hành động nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc tìm ra một giải pháp cho các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể góp phần làm giảm tình hình bất ổn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
[IMF cảnh báo rủi ro đối với kinh tế châu Á do căng thẳng thương mại]
Bà Georgieva cũng cho biết các thành viên IMF đều nhận thấy cần phải gia tăng áp lực để các nước tuân thủ các quy định thương mại quốc tế cũng như sẵn sàng mở rộng và cải thiện các quy định này.
Về đề xuất tung ra đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán quốc tế mới, bà Georgieva nhấn mạnh IMF có quan điểm rất cân bằng về những lợi ích và cả nguy cơ liên quan đến vấn đề này. Dù có đề cập đến những lợi ích mà hệ thống này có thể đem lại, như các dịch vụ tài chính giá rẻ, người đứng đầu IMF cho rằng đồng Libra có nguy cơ bị lạm dụng cho những mục đích phi pháp, và vấn đề chủ quyền về tiền tệ cũng cần được hiểu và giải quyết thỏa đáng.
Cũng trong cuộc họp của Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi, bất chấp những nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt.
Dù tình hình tài khóa của Nhật Bản thuộc hàng yếu nhất trong số các nền kinh tế phát triển lớn, với nợ công ở mức hơn 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ông Aso khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố tài khóa.
Theo ông Aso, đợt tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% từ ngày 1/10 được dự đoán sẽ góp phần phục hồi thể trạng tài khóa của Nhật Bản, đồng thời trang trải các chi phí an sinh xã hội đang ngày càng gia tăng do tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm./.