Ngày 18/1, Bộ trưởng Đầu tư kiêm người đứng đầu Ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM) Bahlil Lahadalia đã chính thức công bố kế hoạch cấm xuất khẩu quặng bauxite trong năm nay.
Ông Bahlil cho biết: “Dù thua kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel, chúng tôi đã tiếp tục đấu tranh và quyết định cấm xuất khẩu quặng bauxite trong năm 2023.”
Thông báo trên được ông Bahlil công bố tại cuộc thảo luận “Phát triển kinh tế Indonesia thông qua ngành công nghiệp hạ nguồn và quan hệ đối tác bao trùm” bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 ở Davos, Thụy Sỹ.
[Indonesia kháng cáo lên WTO sau khi bị xử thua vụ kiện nickel]
Bộ trưởng Bahlil cũng kêu gọi các nhà đầu tư chia sẻ vì chính phủ Indonesia đã quyết định áp dụng chính sách này nhằm khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn trong nước.
Ông Bahlil khẳng định: “Ngay cả khi vụ việc này sẽ được đưa ra WTO, chúng tôi sẽ ổn vì đã học được từ các nước khác,” ám chỉ đến cách thức từng được một số nước phát triển sử dụng để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước.
Theo ông Bahlil, vào thế kỷ 16, Anh đã cấm xuất khẩu len vì muốn sử dụng nguyên liệu thô để phục vụ cho các nhà máy dệt trong nước.
Động thái tương tự cũng được Trung Quốc thực hiện vào những năm 1980 khi chính phủ yêu cầu đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90% đối với các sản phẩm để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.
Ông Bahlil nhấn mạnh: “Không ai ngăn cản họ. Indonesia và các nước đang phát triển mong muốn đạt được kết quả tương tự với các nước phát triển. Đây là điều mà chúng tôi đang làm hiện nay.”
Ông Bahlil cho rằng vụ kiện của Liên minh châu Âu (EU) tại WTO chống lại lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia “không phải là vấn đề lớn” do chính phủ nhận thức rõ rằng chế biến hạ nguồn là cách để nâng vị thế từ quốc gia đang phát triển lên quốc gia phát triển.
Ông Bahlil cho hay: “Indonesia rất quan tâm đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đặt mục tiêu đạt được vào năm 2030. SDG không chỉ cần tập trung vào lĩnh vực môi trường mà cả phân bố tăng trưởng kinh tế ở những nơi có tài nguyên thiên nhiên,” đồng thời cho rằng người dân Indonesia phải nhận được lợi ích tối ưu thông qua hợp tác tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã tuyên bố rằng Indonesia sẽ ngừng xuất khẩu quặng bauxite bắt đầu từ tháng 6/2023 để khuyến khích ngành chế biến trong nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto tiết lộ rằng hiện Indonesia có 4 cơ sở tinh chế bauxite đang hoạt động với tổng công suất 4,3 triệu tấn alumin mỗi năm.
Ngoài ra, quốc gia này còn có một cơ sở tinh luyện bauxite đang được xây dựng với công suất chế biến 27,41 triệu tấn quặng và sản lượng 4,98 triệu tấn alumin./.