Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thông tin được Đại sứ Indonesia tiết lộ tại buổi làm việc với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN để thảo luận về các ưu tiên của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, trong đó có diễn đàn sắp tới.
Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Ngày 7/6, Đại sứ Indonesia tại Hàn Quốc Gandi Sulistiyanto cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại thủ đô Jakarta vào ngày 5-6/9 tới.

Thông tin trên được Đại sứ Gandi tiết lộ tại buổi làm việc với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) để thảo luận về các ưu tiên của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, trong đó có diễn đàn sắp tới.

Diễn đàn bao gồm các cuộc thảo luận nhóm, hội thảo, giới thiệu dự án và kết nối kinh doanh về phát triển cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm và tài chính bền vững.

Các đại biểu đến từ khu vực công và tư nhân của các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác bên ngoài của ASEAN, các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) và các tổ chức quốc tế sẽ được mời tham dự diễn đàn.

Theo Đại sứ Gandi, các quốc gia tham gia được khuyến khích đóng góp vào danh sách các dự án cơ sở hạ tầng cụ thể, tạo cơ hội giới thiệu các dự án này để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.

[Philippines, Anh, Canada nhấn mạnh vai trò hợp tác ở Ấn Độ Dương-TBD]

Indonesia đang đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng.” Chủ đề này gồm ba trụ cột: ASEAN tầm vóc, Tâm điểm tăng trưởng và thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Đại sứ nêu rõ trụ cột đầu tiên nhằm tăng cường sự thống nhất, vai trò trung tâm và năng lực của ASEAN để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai. Trong đó, Tầm nhìn 2045 đã được xác lập nhằm tăng cường khả năng đáp ứng và thích ứng của ASEAN.

Trụ cột thứ hai nhằm củng cố các cơ chế khu vực để vượt qua các "cú sốc" kinh tế bên ngoài. ASEAN đặt mục tiêu trở thành một khu vực hòa bình, không xảy ra xung đột ủy nhiệm, là điểm tựa cho ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Trong khi đó, trụ cột thứ ba nhấn mạnh việc triển khai tầm nhìn AOIP nhằm thúc đẩy hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên chính. AOIP do Indonesia khởi xướng và là công cụ để duy trì ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nước thành viên ASEAN.

Trong quá trình triển khai, AOIP vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết, đặc biệt là trong việc đáp ứng lợi ích của mỗi quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Indonesia tiếp tục nêu ba nguyên tắc chính trong tầm nhìn AOIP, bao gồm vai trò trung tâm, tính chất bao trùm và bổ sung của ASEAN.

AOIP cung cấp diễn đàn đối thoại và hợp tác với tất cả các nước. Văn kiện này cũng nhấn mạnh đến sự hợp lực giữa những khác biệt trong khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các nước và nhằm tăng cường các cơ chế hiện có để đối mặt với các thách thức khu vực và toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.