Italy muốn pizza Napoli thành Di sản phi vật thể của UNESCO

Italy muốn pizza Napoli trở thành Di sản phi vật thể của UNESCO

Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Italy phát động chiến dịch đề nghị xét công nhận "Nghệ thuật làm bánh pizza Napoli" là Di sản phi vật thể của UNESCO.
Italy muốn pizza Napoli trở thành Di sản phi vật thể của UNESCO ảnh 1Người Italy đang hy vọng pizza có xuất xứ từ Napoli sẽ trở thành Di sản phi vật thể UNESCO. (Nguồn: ANSA)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, ông Alfonso Pecoraro Scanio vừa phát động chiến dịch thu thập chữ ký để đề nghị xét công nhận "Nghệ thuật làm bánh pizza Napoli" là Di sản phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Đề xuất này ngay lập tức nhận được 20.000 chữ ký ủng hộ, trong đó có chữ ký của Thống đốc Vùng Lombardia, Roberto Maroni.

Năm 2009, đặc sản pizza Napoli đã được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là Đặc sản Truyền thống được đảm bảo (STG).

Điều này cũng có nghĩa là những người thợ làm bánh pizza theo công thức Napoli cần phải chuẩn bị và nướng món ăn này theo đúng theo quy cách với những nguyên liệu được tiêu chuẩn hóa như bột đế bánh phải được nhào thủ công, sử dụng cà chua San Marzano và phomát Mozzarella làm từ sữa trâu, bánh phải được nướng trong lò đốt than củi và cách trang trí mỹ thuật các nguyên liệu đi kèm.

Bánh thành phẩm cũng phải đáp ứng được các tiêu chí Hiệp hội Pizza đặc sản Napoli đã xác lập.

Bánh pizza Napoli là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Italy. Do vậy, người Italy muốn món bánh này được biết đến trên toàn thế giới và bảo hộ quyền sở hữu với công thức chế biến. Pizza Napoli đã từng là ứng cử viên của Di sản phi vât thể của UNESCO vào năm 2011.

Trước đó, vào năm 2010, nghệ thuật ẩm thực của Pháp và món ăn truyền thống của Mexico đã từng được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)