812.600 liều vaccine AstraZeneca mà Chính phủ Italy quyết định tài trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào ngày 13/9 tới.
Nhân dịp số vaccine trên được vận chuyển sang Việt Nam, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome ngày 10/9, bà Gabriella Biondi, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Italy, khẳng định tinh thần đoàn kết của Chính phủ và người dân Italy đối với người dân Việt Nam đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19.
Theo bà, Italy không bao giờ quên sự giúp đỡ của Việt Nam, khi Việt Nam hỗ trợ Italy hơn 300.000 khẩu trang vào lúc Italy cần nhất. Giờ đây, đến lượt Italy sát cánh với Việt Nam.
Bà Biondi đánh giá Việt Nam đã rất thành công khi kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19 trong hơn một năm rưỡi, trước khi làn sóng lây nhiễm hiện nay bùng phát. Việt Nam khá thuận lợi khi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm phòng chống COVID-19 từ những quốc gia bị đại dịch tấn công trước như Italy.
Theo bà, Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, với hơn 4,4 triệu ca lây nhiễm và 128.000 ca tử vong.
Mặc dù diễn biến đại dịch vẫn phức tạp, nhưng tình hình được cải thiện vững chắc trong những tháng qua nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine quyết liệt và mở rộng.
Cho đến nay, Italy đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 39 triệu người, 72% dân số trên 12 tuổi. Italy đã quyết định tiêm phòng COVID-19 theo độ tuổi để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, do tỷ lệ nhập viện quá cao có thể đe dọa nghiêm trọng hệ thống y tế quốc gia.
[Italy viện trợ cho Việt Nam hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca]
Việc phối hợp trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) là quan trọng trong nỗ lực tiêm phòng vaccine.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu đảm bảo một quy trình tiêm vaccine chung, đóng góp vào việc hài hòa hóa chiến dịch tiêm vaccine ở các nước thành viên EU.
Với các đối tác EU, Italy đã thực thi một hệ thống chứng nhận đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, có giá trị để được đi lại an toàn trong EU.
Một nỗ lực phối hợp như vậy đang tạo điều kiện cho sự phục hồi nhanh chóng các hoạt động kinh tế-xã hội và tăng cường hơn nữa sức khỏe cộng đồng. Hệ thống này phải mất một thời gian mới thực hiện được nhưng đang chứng minh là rất hiệu quả.
Về tầm quan trọng của cơ chế COVAX trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, bà Biondi nhấn mạnh rằng ngay từ đầu đại dịch, Italy đã tin tưởng và thúc đẩy một phản ứng đa phương, có phối hợp để đối phó với COVID-19, với mục tiêu là mọi người đều được xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị COVID-19 một cách công bằng.
Cho đến nay, COVAX đã cung cấp 243 triệu liều vaccine cho hơn 139 quốc gia trên thế giới.
Ngoài khoản đóng góp 385 triệu euro cho cơ chế COVAX, Italy còn quyên góp 15 triệu liều vaccine từ nay đến cuối năm 2021, với 4 triệu liều vaccine sẽ được chuyển trong vài tuần tới đến những nước có nhu cầu, trong đó có Việt Nam.
Cơ chế COVAX sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm để đảm bảo sự phân phối công bằng các loại vaccine an toàn và hiệu quả.
Về triển vọng hợp tác giữa Italy và Việt Nam, bà Biondi nhấn mạnh hai nước có quan hệ hữu nghị lịch sử, có khả năng hướng đến tương lai, sau 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước ngày càng trở nên gần gũi trong nhiều lĩnh vực.
Với kim ngạch 4 tỷ euro, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khu vực ASEAN.
COVID-19 là thách thức lớn, nhưng bà Biondi tin rằng hai nước sẽ thành công trong việc nối lại và mở rộng hoạt động thương mại và hy vọng có thể đạt kim ngạch hai chiều 5 tỷ euro trong năm 2021./.