Kết luận của Thủ tướng về kiểm tra việc thực hiện biện pháp chống dịch

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường, hỗ trợ người dân gặp khó khăn kịp thời, chính xác....
Kết luận của Thủ tướng về kiểm tra việc thực hiện biện pháp chống dịch ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 28/4/2020.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương các cấp các ngành, lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch đã liên tục ngày đêm đảm bảo an toàn cho người dân. Cả nước đã có 12 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng; khoảng 60% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có dịch, hệ số lây nhiễm được kiểm soát, vào hàng thấp nhất thế giới; Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi dịch bệnh. Đó là kết quả của chiến lược, các biện pháp phòng, chống dịch đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

[Thủ tướng chủ trì họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19]

Tuy nhiên, diễn biến dịch ở các nước trên thế giới, kể cả những nước gần Việt Nam vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải luôn luôn sẵn sàng ở mức cao nhất, đặc biệt là đối với lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch.

Các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta một cách phù hợp và người bị nhiễm bệnh; nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả; theo dõi chặt chẽ sức khỏe những người đã khỏi bệnh, xử lý kịp thời các trường hợp tái phát.

Thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài

Các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế cần tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài (qua đường hàng không, hàng hải, đường thủy, đặc biệt là qua tuyến biên giới trên bộ, chú ý qua cửa khẩu hoặc đường mòn, lối mở); tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với các trường hợp là chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư… nhưng phải thực hiện biện pháp cách ly phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có phương án giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam mà không phải cách ly tập trung 14 ngày.

Tiếp tục nới lỏng các hạn chế, khôi phục dần các hoạt động kinh tế-xã hội, khởi động tích cực và cần tăng tốc ở những lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch chặt chẽ.

Các bộ, ngành, địa phương cần có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, cung cầu hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, phù hợp mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên từng địa bàn. Lưu ý việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không được cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và phải tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” với tinh thần chung là chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh, an toàn giao thông.

Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg; các đơn vị phân công người trực; riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải hoạt động 100%, nhất là trong trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây.

Hướng dẫn cụ thể công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể công tác bảo đảm an toàn cho học sinh sinh viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện; mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch và không tập trung đông người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện ngay các thủ tục cần thiết, tháo gỡ ngay các rào cản để xuất khẩu khẩu trang y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế, lưu ý việc quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu; hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị (như Tập đoàn Vingroup, Đại học Điện lực và nhiều đơn vị khác) đã nghiên cứu sản xuất máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch trong nước và xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bãi bỏ giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ khẩn trương lấy ý kiến thành viên Chính phủ về việc này.

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp để truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện nguy cơ lây có ca xâm nhập.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện cách ly tập trung công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời gian tới (nếu có), bảo đảm an toàn.

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm kịp thời, chính xác

Bộ Giao thông Vận tải căn cứ diễn biến dịch, nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa, vận chuyển hành khách bằng ôtô, tàu hỏa. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoàn thiện phần mềm cài đặt trên điện thoại và đề xuất giải pháp kiểm soát.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trước ngày 30/4/2020.

Các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại nhu cầu, tăng cường quản lý mua sắm trang, thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, không để lợi dụng để trục lợi, tiêu cực; trường hợp phát hiện có dấu hiệu sai phạm, cần chuyển cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý theo đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục