Khai quật khu vực rộng 980m2 ở Hoàng thành Thăng Long

Khai quật khu vực khảo cổ học rộng 980m2 ở Hoàng thành Thăng Long

Trong năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khu vực phía Đông - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Khai quật khu vực khảo cổ học rộng 980m2 ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh minh họa: Kim Phương/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, trong năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học, tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực phía Đông - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội).

Tổng diện tích khai quật là 980m2, bao gồm hai hố: hố H1 có diện tích 800m2 và H2 rộng 180m2. Thời gian cụ thể tiến hành khai quật kéo dài từ ngày 15/1-30/12.

Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín chủ trì quá trình khai quật.

Đối với những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật này.

Trước đó, theo kết quả khảo cổ học mới nhất được công bố ngày 16/12/2014, lần đầu tiên, các nhà khoa học đã xác định tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20 ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Việc khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long trong năm 2014 cũng đã bước đầu làm xuất lộ bốn dấu tích kiến trúc lớn thời Lý: móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn.

Khai quật khu vực khảo cổ học rộng 980m2 ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 2Hố khai quật khảo cổ học tại thành Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha.

Theo giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, so với diện tích đó, diện tích khai quật khảo cổ học hiện nay còn ít. Nhiều giá trị đặc biệt của khu di sản văn hóa thế giới này chưa được làm rõ, nhận diện đầy đủ do chưa được khai quật, nghiên cứu tổng thể và chi tiết.

“Việc khai quật khảo cổ học tại đây không chỉ nhằm mục đích làm rõ các tầng văn hóa mà còn phải hướng đến giải quyết hai vấn đề cơ bản: Thứ nhất, tìm ra vị trí chính xác của trung tâm Cấm thành, làm rõ mối tương quan giữa trục Trung tâm và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Thứ hai, có nhận thức toàn diện, cụ thể về cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long,” giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh./.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin (ngày 31/7/2010) với các tiêu chí:

- Minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam.

- Minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng. Đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ thế kỷ 7 cho đến tận ngày nay.

- Liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa-lịch sử quan trọng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục