Sở Tài nguyên Môi trưởng tỉnh Sóc Trăng thông tin, ngày 11/10, UBND tỉnh phối hợp với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn tổ chức khởi công dự án khai thác mỏ cát ký hiệu MS12.
Đây là mỏ cát trên sông Hậu nằm tại xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, được khai thác để tăng cường nguồn cát vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Sóc Trăng.
Mỏ cát MS12 có diện tích rộng hơn 60 ha, tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác trong 14 tháng dự kiến là trên 628.000m3.
Thời gian khai thác được cơ quan chức năng cho phép là từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Đại diện đơn vị khai thác mỏ cho biết, trong thời gian đầu, công suất khai thác là khoảng 3.000m3/ngày, sau đó sẽ giảm dần và được khai thác bằng phương pháp lộ thiên.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, mỏ cát MS12 có nhiều cát, thuận lợi trong khai thác. Trước đó, tỉnh Sóc Trăng đã cấp phép khai thác một số mỏ cát khác trên sông Hậu như mỏ MS01, MS03 và mỏ cát biển tại lô B1 và B1.2.
Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét tiếp tục cấp phép khai thác một số mỏ cát khác trên sông Hậu và mỏ cát biển nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cát san lấp phục vụ các dự án trọng điểm, cao tốc đường bộ trong khu vực.
Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài hơn 188km, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng. Dự án này có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 ở thành phố Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Đoạn qua Sóc Trăng (dự án thành phần 4) dài trên 56km, mặc dù tỉnh và các đơn vị thi công đã rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn chậm.
Việc đưa vào khai thác thêm những mỏ cát mới nhằm tăng cường nguồn vật liệu san lấp và xây dựng, tỉnh Sóc Trăng mong muốn thúc đẩy nhanh hơn tiến độ thi công các công trình trọng điểm và dự án cao tốc đường bộ đi tỉnh trong thời gian tới./.
Sóc Trăng: Khởi công khai thác mỏ cát MS01 ở sông Hậu phục vụ thi công cao tốc
Mỏ cát MS01 trên sông Hậu được đưa vào khai thác, cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1, với trữ lượng cát được phép khai thác hơn 1.180.000m3.