Khai thác vượt tải, 2 đường cất hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị vỡ

Hai đường cất hạ cánh ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện hư hỏng và mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ.
Khai thác vượt tải, 2 đường cất hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị vỡ ảnh 1Đường hạ cất cánh 25R/07L. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên 2 đường cất hạ cánh ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện vết hư hỏng, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ. Nếu hiện trạng này không sớm được cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa khai thác 2 đường cất hạ cánh này.

[Bộ Giao thông Vận tải “lệnh” sửa đường băng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất]

Đây là một trong những nội dung mà phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Cụ thể, đường cất hạ cánh 25R/07L Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B777-300ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần trùng phục trong 10 năm tính toán trên cơ sở số liệu dự báo theo quy hoạch Tân Sơn Nhất khai thác tối đa 25 triệu hành khách/năm.

Theo số liệu thống kê đến tháng Tư vừa qua, tổng số lần trùng phục trên đường cất hạ cánh 07L/25R quy đổi về máy bay B777-300ER là 126.600 lần, đã vượt quá số lần trùng phục theo tính toán là 55.100 lần.

Đường 11R/29L(1B) Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hệ thống đường lăn được thiết kế với kết cấu mặt đường bê tông xi măng, đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 hoặc tương đương với tần suất hoạt động 10.500 lượt/năm trong 20 năm tính toán.

Thế nhưng, số liệu thống kê của ACV cho thấy, đến tháng 4/2018, tổng số lần trùng phục trên đường cất hạ cánh 11R/29L quy đổi về máy bay B747-400 là 284.200 lần trùng phục đã vượt quá số lần trùng phục theo tính toán là 210.000 lần

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài hiện đang khai thác các chủng loại tàu bay có tải trọng và áp suất bánh hơi (A350-900, B787-9) lớn hơn so với máy bay tính toán thiết kế ban đầu.

“Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế đẫn đến xuất hiện hư hỏng và mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ. Tại một số vị trí trên đường cất hạ cánh 11R/29L(1B) và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hiện tượng phùi bùn đặc biệt vào mùa mưa,” lãnh đạo ACV đánh giá.

[Đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị hằn lún cục bộ]

Phía ACV cũng nhìn nhận, hiện nay, việc vẫn tiếp tục khai thác vượt tải 2 đường cất hạ cánh nêu trên với số làn trùng phục tích lũy ngày càng lớn vượt xa thiết kế ban đầu dẫn đến tình trạng xuống cấp mặt đường ngày càng trầm trọng.

“Trường hợp không sớm cải tạo, nâng cấp và vẫn tiếp tục duy trì khai thác 2 đường cất hạ cánh này sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, dẫn đến có thể phải đóng cửa khai thác 2 đường cất hạ cánh nêu trên,” lãnh đạo ACV khẳng định.

Chưa kể, phía ACV thừa nhận việc đóng cửa khai thác sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho 2 đường cất hạ cánh còn lại gây ảnh hưởng đến an toàn bay, đồng thời giảm sản lượng khai thác tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài (tổng sản lượng tại 2 Cảng năm 2018 dự kiến đạt 64 triệu hành khách, trong đó tại Tân Sơn Nhất là 38 triệu và Nội Bài là 26 triệu chiếm 63% tổng sản lượng hành khách của ACV trong năm 2018) ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không và gián tiếp đến kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh trên là cần thiết và cấp bách.

Nhằm đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác bay tại hai Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài gây uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, ACV đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét có cơ chế, giải pháp để ACV sớm có thể đầu tư các dự án nêu trên bằng nguồn vốn sẵn có của Tổng công ty./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục