Khám phá văn hóa ẩm thực ngày Tết 3 miền Bắc-Trung-Nam

Mâm cỗ Tết miền Bắc hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau; mâm cỗ Tết miền Trung cầu kỳ và tỉ mỉ, còn mâm cỗ Tết miền Nam tuy chế biến đơn giản nhưng cực kỳ mỹ vị.
Khám phá văn hóa ẩm thực ngày Tết 3 miền Bắc-Trung-Nam ảnh 1Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo của miền Bắc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Với vị trí đặc biệt quan trọng của ngày Tết trong đời sống người Việt, những món ăn được lựa chọn sử dụng trong những ngày đầu năm cũng chứa đựng những gì tinh túy nhất, đặc trưng nhất của ẩm thực cổ truyền.

Trải dài đất nước, từ Hà Giang cực Bắc đến Cà Mau đất mũi miền Nam, dù có vô vàn món ăn khác nhau, cách chế biến cũng không giống nhau, song mỗi món ăn đều hướng về những giá trị văn hóa truyền thống, truyền tải những thông điệp chung về cuộc sống và cội nguồn.

Theo phong tục chung, Tết của người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ với các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Mâm cỗ phải thịnh soạn, hấp dẫn với đầy đủ màu sắc, như: màu xanh của bánh chưng, màu đỏ tươi của xôi gấc, canh măng vàng, đĩa giò lụa hồng hồng… để tạo nên mâm cỗ cổ truyền đậm đà bản sắc Việt.

Trên cái nền chung ấy, khi đi dọc miền Tổ quốc những ngày Tết, chúng ta lại bắt gặp những bức tranh ẩm thực khác nhau giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Xuất phát từ những yếu tố ngoại cảnh như địa lý, khí hậu, văn hóa khác nhau, mỗi vùng lại có những biến tấu món ăn khác nhau, tuy không quá cao sang về nguyên liệu, nhưng lại rất đặc trưng, riêng biệt và hấp dẫn.

Mâm cỗ tinh tế, khéo léo của miền Bắc

Ngày Tết miền Bắc, thời tiết thường giá lạnh, có lẽ vì vậy mà người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món ăn ngậy béo và đầy năng lượng.

Đặc biệt, là vùng đất mà nhiều đời vua chúa từng chọn làm nơi đóng đô, mâm cỗ Tết của người miền Bắc bao giờ cũng thể hiện sự tinh tế và khéo léo.

Vừa chú trọng hình thức, vừa phối hợp hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau. Trong đó, mâm cỗ của người Hà Nội được đánh giá là bài bản và giữ được nét cổ truyền của người Việt.

Bánh chưng là thứ không thể thiếu không chỉ với ẩm thực ngày Tết cổ truyền miền Bắc mà còn của cả đất nước.

Bên cạnh đó, xôi gấc, giò lụa, giò xào, thịt gà, nem rán, thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, cùng đĩa nộm xu hào hoặc đu đủ là những món phải có trong dịp Tết. Món nước cũng phong phú không kém: miến nấu lòng gà, chân giò hầm với măng lưỡi lợn, mọc nước… Món nào cũng đậm đà hương vị, khiến người ta cứ nhớ mãi về hương vị Tết quê hương.

Hương vị của sự chắt chiu, chia sẻ trên mâm cỗ Tết miền Trung

Người miền Trung cũng cầu kỳ, tỉ mỉ nên các món ăn ngày Tết cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Ngắm nhìn và thưởng thức mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung, dường như cảm nhận thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ.

Người miền Trung không có bánh chưng mà làm bánh Tết, món bánh có hương vị rất gần gũi với bánh chưng.

[Khám phá Tết cổ truyền Việt Nam qua tài liệu lưu trữ từ thời Nguyễn]

Bên cạnh bánh Tết, miền Trung cũng có nhiều loại bánh khác được đặt trên mâm cỗ ngày Tết như bánh tổ, bánh in...

Ẩm thực ngày Tết miền Trung cũng không thể thiếu nem chua, thịt giấm. Đặc biệt, tại cố đô Huế, nơi vẫn lưu giữ những món ăn từ cung đình, thì mâm cỗ Tết càng tỉ mỉ và cầu kì.

Món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả lúc nào cũng phải có. Một số vùng ở miền Trung còn thêm món món bò nấu thưng, thịt nạc rim hấp dẫn.

Nếu như miền Bắc có dưa hành thì miền Trung lại đặc trưng với dưa món. Nguyên liệu của dưa món khá đơn giản, chỉ là cà rốt, đu đủ... được ngâm chua mặn, tuy nghe có vẻ dễ làm nhưng để có được hũ dưa món đầy sắc-vị thì cần sự tỉ mỉ và khéo léo.

Bởi thế, dù mộc mạc hay cao sang, những món ăn ngày Tết của miền Trung, qua bàn tay của những người phụ nữ tần tảo đều trở nên vô cùng hấp dẫn.

Nét bình dị, gần gũi ở mâm cỗ Tết miền Nam

Nam Bộ nổi tiếng là vùng đất bình dị với những con người chất phác, xởi lởi, lại thêm những sản vật tự nhiên rất phong phú, không cần chế biến cầu kỳ vẫn khiến vị giác đắm say.

Có lẽ bởi vậy, văn hóa ẩm thực ngày thường cũng như ngày Tết của miền Nam thường đơn giản hơn so với miền Bắc và miền Trung. Bánh Tết, thịt kho tàu và canh khổ qua là 3 món đặc trưng trong ngày Tết của vùng Nam Bộ.

Khám phá văn hóa ẩm thực ngày Tết 3 miền Bắc-Trung-Nam ảnh 2Không gian văn hóa và mâm cỗ ngày Tết cúng ông bà của người miền Nam tại Lễ hội Tết Việt 2021. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ở Nam Bộ còn lưu truyền câu ca dao: “Chim kêu ba tiếng ngoài sông/ Mau lo lựa nếp hết đông Tết về.” Ngày Tết, người miền Bắc dùng bánh chưng, người miền Nam ăn bánh Tết (hay còn gọi là bánh đòn).

Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức, bánh Tết cũng được chế biến thành nhiều loại như bánh Tết mặn, bánh Tết chay không nhân, bánh Tết ngọt…

Tại đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều làng bánh Tết nổi tiếng ở Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… nhưng không ở đâu có bánh Tết ngon như ở Trà Cuôn (Trà Vinh). Có thể nói, bánh Tết chính là “linh hồn Tết” của người Nam Bộ.

Ngoài bánh Tết, thì món ăn mặn không thể thiếu được trong ngày Tết, bất luận ở nhà giàu hay nghèo, là món thịt kho tàu - hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho nước dừa.

Món ăn là sự kết hợp hài hòa âm-dương, của miếng thịt kho tàu vuông vắn với quả trứng tròn trắng tinh ngập trong nước dừa ngọt dịu. Khi ăn kết hợp với cơm trắng và dưa giá.

Thêm một bát canh khổ qua dồn thịt, giúp chúng ta cảm nhận được hết mỹ vị của nhân sinh, cùng nhau tiễn biệt khó khăn của năm cũ và mong chờ cho một năm mới tốt đẹp, may mắn hơn.

Và dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì ẩm thực ngày Tết cổ truyền Việt Nam cũng đều mang hương vị đặc trưng, độc đáo mà hài hòa, thân thuộc. Rau quả xanh tươi, nem chả mang đầy năng lượng cho cuộc sống, bánh mứt thể hiện sự an lành…

Bởi vậy, khi cuộc sống ngày càng bận rộn và tất bật hơn thì vào ngày Tết, những người con xa xứ lại trở về quê hương, mong muốn thưởng thức một bữa ăn gia đình hay cùng nhau bày biện mâm cơm ngày Tết.

Trong cái tươi mát của Xuân mới, trong cái náo nhiệt háo hức của ngày Tết cổ truyền, hương vị của những món ăn càng làm ấm thêm lòng người, càng làm đậm đà thêm truyền thống văn hóa đặc sắc, bền bỉ của người Việt giữa những đổi thay của cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)