Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phát triển hệ thống y tế vùng ven đô, ngoại thành nhằm giảm tải cho hệ thống bệnh viện tuyến trên, đồng thời hướng đến mục tiêu cao hơn là nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân vùng ven, các địa phương lân cận.
Phủ rộng hệ thống y tế vùng ven
Lần đầu đưa con gái 3 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) khám bệnh tay chân miệng, anh Phạm Bá Chiến, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh rất bất ngờ với việc đón tiếp, thăm khám của bác sỹ và cơ sở vật chất khang trang của bệnh viện này. Chỉ trong buổi sáng, mọi thủ tục khám bệnh, xét nghiệm, kê toa đã hoàn tất nhanh chóng. Anh Chiến cho hay, trước đây mỗi lần đưa con đi khám bệnh anh đều mất một ngày bởi đường xa và chờ đợi quá lâu.
Kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người dân khu vực phía Tây thành phố như huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Bình Tân, Quận 6...
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng thành phố cho hay, đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.000 - 1.200 lượt khám bệnh mỗi ngày, không chỉ phục vụ người dân các quận, huyện vùng ven, ngoại thành của thành phố mà còn đón tiếp lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh…
Huyện Củ Chi cũng vừa được đầu tư xây mới một bệnh viện với quy mô 300 giường bệnh. Cùng với cơ sở vật chất khang trang, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện huyện Củ Chi đã được các bệnh viện lớn của thành phố như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân… triển khai đặt khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh.
[Đưa Bệnh viện Mắt Trung ương thành trung tâm nhãn khoa hiện đại]
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi chia sẻ, đến giữa năm 2017, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tăng hơn 150%, số bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng 158% so với trước.
Ngoài nguồn nhân lực trình độ cao, Bệnh viện huyện Củ Chi cũng được trang bị hệ thống máy CT Scanner 16 lát, X-quang kỹ thuật số DR, máy đo loãng xương, các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, phòng mổ đạt chuẩn và phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II …đã dần tạo được sự tin tưởng của người dân.
Đang chờ khám mắt tại Bệnh viện huyện Củ Chi, bà Trần Thị Út Gái, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi cho hay, từ ngày bệnh viện huyện có nhiều bác sỹ chuyên khoa, bà và người dân không phải lên các bệnh viện tuyến trên để khám bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, đầu tư phát triển y tế cho các huyện ngoại thành là 1 trong những chủ trương lớn của Thành ủy và Uỷ ban Nhân dân thành phố với mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn. Ngoài Bệnh viện huyện Củ Chi, thành phố đang đầu tư xây dựng mới và sắp đưa vào hoạt động các bệnh viện ngoại thành, vùng ven ở cửa ngõ của thành phố như: Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện huyện Cần Giờ, Bệnh viện huyện Hóc Môn…
Ngoài việc xây mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, theo ông Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Bên cạnh việc đưa bác sỹ từ tuyến trên về hỗ trợ cho bệnh viện tuyến quận, huyện theo Đề án 1816, ngành Y tế thành phố cũng đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đảm bảo các bệnh viện ngoại thành có đủ bác sỹ, điều dưỡng đảm trách được nghiệp vụ và chuyên môn phục vụ mô hình bệnh tật trên địa bàn.
Đưa kỹ thuật chuyên sâu đến gần dân
Phát hiện mắc ung thư gan trong một lần khám sức khỏe định kỳ, ông Đào Văn Điểm, 53 tuổi, ngụ Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã được các bác sỹ Bệnh viện quận Thủ Đức điều trị thành công bằng phương pháp nút hóa chất động mạch TACE - một kỹ thuật cao thường được áp dụng tại những bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu. Hai tuần sau phẫu thuật, ông Điểm đã có thể xuất viện và lần tái khám gần đây nhất, ông rất vui mừng khi bác sỹ thông báo đã loại bỏ được tế bào ung thư trong gan.
Ngoài điều trị ung thư gan, bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, đơn vị này đã thực hiện thành công một số kỹ thuật chuyên sâu khác như: Phẫu thuật u não, u tủy sống, can thiệp tim mạch, mổ tim hở dạng nhẹ cho người lớn. Thời gian tới, Bệnh viện quận Thủ Đức sẽ thực hiện mổ tim hở phức tạp cho người lớn, đánh dấu bước ngoặt lớn về phát triển kỹ thuật chuyên sâu của một bệnh viện tuyến quận.
Ông Tăng Chí Thượng đánh giá, đây là một trong những bệnh viện tuyến quận, huyện của thành phố được đầu tư theo hướng đa chuyên khoa sâu nhưng gần dân và đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao mà ngay cả một số bệnh viện tuyến tỉnh cũng chưa thực hiện
Ngoài Bệnh viện quận Thủ Đức, các bệnh viện tuyến quận, huyện khác như Quận 2, Tân Phú, Bình Tân cũng được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo hướng đa chuyên sâu và thực hiện nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu gồm: Phẫu thuật ung thư gan, thay khớp háng, mổ nội soi… Nhờ đó, tỷ lệ chuyển viện từ các bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên liên tục giảm trong những năm gần đây.
Uỷ ban Nhân dân thành phố, Sở Y tế cũng đã lên kế hoạch xây dựng định hình khu kỹ thuật chuyên sâu của thành phố, đó là xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các vùng ngoại thành, vùng cửa ngõ.
Ngoài các bệnh viện hiện có, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đóng trên địa bàn Quận 9 với quy mô 1.000 giường bệnh và nhiều trang thiết bị hiện đại chuẩn quốc tế, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện Ung bướu cơ sở 1. Theo kế hoạch, dự án Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nội tiết Trung ương 2 cũng sẽ được khởi công ở huyện ngoại thành Bình Chánh. Như vậy, trong tương lai không xa, người dân các vùng ngoại thành, ven đô và các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiếp cận đầy đủ dịch vụ y tế chất lượng cao ngay gần khu vực mình sinh sống./.