Lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng nhưng vẫn cố tình đi vào làn đường đã được phân loại phương tiện. Sau một tháng, chủ xe cố tình đi sai làn sẽ bị xử phạt nghiêm.
Xe dán thẻ tự động vẫn “xếp lốt” qua làn thu phí
Cách trạm thu phí BOT Hà Nội-Bắc Giang chừng 200m, chiếc xe biển kiểm soát 29C-721.48 do tài xế Đinh Văn Hoàng (Việt Yên, Bắc Giang) vội đánh lái đi đúng làn thu phí tự động không dừng (làn ETC) để nhanh chóng thoát khỏi khu vực trạm. Tuy nhiên, khi gần đến nới, anh Hoàng vẫn phải đứng chờ chủ xe phía trước chi trả tiền vé đường bộ cho nhân viên thu phí.
Bày tỏ sự bức xúc vì xe dán thẻ thu phí tự động (thẻ Etag) mà vẫn phải “xếp lốt” qua trạm, anh Hoàng ngao ngán: “Nhiều chủ xe chưa dán thẻ vẫn cố tình đi vào làn thu phí tự động kéo theo ùn tắc cả hàng dài phương tiện vì chờ thanh toán tiền mặt.”
Đã dán thẻ Etag cách đây hơn 1 năm, anh Hoàng đánh giá, xe dán thẻ khi đi qua làn ETC rất thuận tiện khi không phải dừng đỗ xe, tốc độ lưu thông nhanh hơn, minh bạch giá tiền khi nhận thông báo trừ tiền trong tài khoản.
Ngay phía sau, lái xe biển kiểm soát 30F-751.50 không dán thẻ nhưng thản nhiên đi vào làn thu phí ETC. Khi được hỏi, tài xế này thành thật bảo, chưa có quy định xe không dán thẻ Etag bị xử phạt nên lúc nào có quy định bắt buộc mới dán. Hơn nữa, trạm làm, trạm bỏ thì không có tác dụng nên chủ xe vẫn chưa “mặn mà” dù công nghệ thu phí không dừng rất hiện đại và nhiều tiện ích.
[Sẽ xử phạt các xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng]
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VETC) cho biết, đến nay mới có khoảng 812.000 xe dán thẻ Etag. Trong số những xe đã dán thẻ trên, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng.
Theo ông Vinh, thời gian qua, VETC đã mở rất nhiều hình thức như dán ở các trung tâm đăng kiểm và 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên địa bàn cả nước. Mỗi xe dán thẻ chỉ 5 phút nên tốc độ và thời gian là cơ bản đáp ứng.
Ông Vinh cho biết, dự án lắp đặt triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 được thực hiện ở 44 trạm thu phí, đến nay đã triển khai 31 trạm, với 13 trạm còn lại do nhà đầu tư BOT triển khai kết nối với VETC hoặc chưa được đầu tư, trách nhiệm đầu tư thuộc về nhà đầu tư BOT. Tiến độ cuối ngày 31/12/2019 tới sẽ có một số trạm có thể kết nối được về VETC nhưng cũng có thể không hoàn thành đúng hạn chót.
“Vừa qua, VECT đầu tư khá nhiều, nhưng doanh thu thu về khá thấp chỉ đạt 10-12% nên đơn vị đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tìm hướng giải quyết chứ không phải xin phá sản và dừng dự án mà tìm giải pháp hiệu quả hơn như phân làn ETC để lái xe sẽ thấy sự thuận lợi từ đó lượng xe dán thẻ Etag và sử dụng nhiều làn ETC sẽ dẫn đến doanh thu tăng lên, hiệu quả của dự án,” ông Vinh kỳ vọng.
Nhắc nhở trước, xử phạt sau
Tại buổi ra quân xử lý xe chưa dán thẻ đi vào làn thu phí tự động không dừng sáng ngày 11/11, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thu phí tự động không dừng là dự án đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ cũng như tính pháp lý, nhất là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng, thời gian triển khai gấp rút.
Vừa qua, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để triển khai, bước đầu đã tạo điều kiện cho người tham gia giao thông và cũng minh bạch cho quá trình thu phí.
Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, dự án còn bất cập ở nhiều làn thu phí tự động không dừng vẫn có xe không dừng và một dừng cùng đi qua, nhiều phương tiện dán thẻ nhưng chưa nạp tiền. Vì thế, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp Công an, Thanh tra giao thông và các nhà đầu tư triển khai đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở trên các tuyến.
“Lưu lượng phương tiện thu phí không dừng qua trạm BOT Hà Nội-Bắc Giang hiện chỉ đạt 10%. Trong một tháng tới, lực lượng chức năng vừa tuyên truyền vừa gửi văn bản cho các đơn vị liên quan, nếu có vướng mắc tiếp tục tháo gỡ. Sau đó, trường hợp xe không có thẻ vẫn cố tình đi vào làn không dừng, gây ùn tắc và khó khăn cho những phương tiện có thẻ thu phí tự động có thể xử phạt ngay,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.
Lý giải về việc sẽ xử phạt bằng chế tài nào, ông Thắng cho hay, Tổng cục đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT cắm biển từ xa, sơn kẻ vạch hướng dẫn các xe đi đúng làn dành riêng, với mong muốn người dân chủ động chấp hành, xử phạt chỉ là hãn hữu.
“Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tại Điều 5 quy định 3 mức phạt gồm phạt không chấp hành biển chỉ dẫn từ 100.000-200.000 đồng; phạt từ 800.000 đồng-1,2 triệu đồng đi không đúng làn đường, tước quyền sử dụng bằng lái xe 1-3 tháng; xử phạt 1,2-2 triệu đồng không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông,” ông Thắng nói.
[Cách nào để tháo gỡ bài toán tiến độ thu phí tự động không dừng?]
Ông Thắng cũng cho biết, theo kế hoạch, tất cả các trạm thu phí đều phải triển khai làn thu phí tự động không dừng trước 31/12/2019 và một thẻ Etag có thể đi qua tất cả các trạm BOT. Những xe mua vé tháng/quý đều phải dán thẻ thu phí không dừng vì đã xác định được chủ xe và đi vào làn không dừng sẽ rất thuận lợi.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại có giải pháp bảo đảm tính liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân./.