Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có hướng dẫn về việc thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ đối với các trường hợp mua bán, cho, tặng đất (gọi chung là chuyển nhượng) bằng giấy viết tay (gọi chung là đất "giấy tay") tại vùng Dự án sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, vấn đề đền bù, hỗ trợ đối với đất "giấy tay" vẫn rất khó khăn.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng trọn thửa đất bằng "giấy tay" trước ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định; người được chuyển nhượng đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) và trực tiếp sử dụng đất nhưng sổ hồng vẫn đứng tên người chuyển nhượng thì huyện Long Thành căn Luật Đất đai 2013 và các quy định của Đồng Nai để rà soát.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp này phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
[Đảm bảo nhân lực giải phóng mặt bằng Dự án sân bay Long Thành]
Ngành chức năng phải làm việc với người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng đất "giấy tay," qua đó thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ; tránh làm phát sinh đền bù, hỗ trợ giữa người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người đang sử dụng đất (người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng), gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Người đang sử dụng đất khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp.
Ông Dương Văn Nhất, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, cho biết vùng Dự án sân bay Long Thành có hơn 1.000 trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay.
Khi áp dụng hướng dẫn này vào thực tế, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành rất khó xác định có hay không việc phát sinh tăng các chính sách bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tái định cư, tìm kiếm việc làm giữa người đứng tên trên sổ hồng và người sử dụng đất.
Theo ông Dương Văn Nhất, nếu muốn xác định có hay không việc phát sinh tăng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, cơ quan chức năng phải xây dựng 2 hồ sơ đền bù, hỗ trợ người đứng tên trên sổ hồng và người sử dụng đất để so sánh, song nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ chỉ được làm một hồ sơ.
Nếu xây dựng 2 hồ sơ bồi thường, hỗ trợ để so sánh, huyện Long Thành phải ra 2 thông báo thu hồi đất gửi chính quyền địa phương nơi có đất thu hồi để xác nhận người trực tiếp sản xuất nông nghiệp (với cả người đứng tên sổ hồng và người sử dụng đất).
Về pháp lý, việc làm này là không phù hợp, nhất là đối với những người đang cư trú ngoài huyện Long Thành, trong khi đó, nếu không có thông báo thu hồi đất thì không thể xây dựng hồ sơ bồi thường, hỗ trợ.
Ông Dương Văn Nhất cho rằng ở sân bay Long Thành còn có nhiều chuyển nhượng đất "giấy tay" không trọn thửa. Đây là những hồ sơ rất khó giải quyết vì thiếu căn cứ pháp lý.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành mong muốn cơ quan cấp trên sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể, làm căn cứ để xử lý dứt điểm vấn đề bồi thường, hỗ trợ đất "giấy tay" trong vùng dự án.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành, để xây dựng sân bay Long Thành, Nhà nước phải thu hồi 5.000ha đất của các tổ chức, cá nhân. Quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân trong vùng dự án, ngành chức năng thực hiện với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau.”
Đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 2.000ha đất của các tổ chức. Với đất của các gia đình, Đồng Nai phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ gần 4.000 hộ, diện tích hơn 1.600ha. Việc giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường hợp đất "giấy tay."
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tới đây, tỉnh sẽ giao các đơn vị liên quan xem xét, tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, hỗ trợ với đất chuyển nhượng trọn thửa bằng giấy viết tay.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các sở, ngành liên quan để xử lý các vướng mắc đối với trường hợp mua bán, cho, tặng một phần thửa đất bằng giấy viết tay tại sân bay Long Thành.
Với những vấn đề trong thẩm quyền, Đồng Nai sẽ đưa ra quy định để giải quyết. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, tỉnh sẽ tổng hợp và xin hướng dẫn, ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương./.