Xếp thành hàng trong những căn phòng rộng tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng, các đầu bếp Triều Tiên đang cẩn thận trình bày những món ăn của họ trước sự theo dõi của đám đông người xem trong một cuộc thi nấu ăn - một sự kiện đặc biệt tại quốc gia thường xuyên thiếu lương thực này.
Từ samsaek gaepitok - bánh gạo nhồi ba màu, được chế biến bằng cách tạo hình bột đậu đỏ thành những gói màu xanh lá và trắng, tới yak kwa - món bánh quy lúa mì chiên rưới mật ong, hoặc món bí xanh nhồi thịt, sự chú ý đến mọi chi tiết là chìa khóa để thu hút ánh mắt của các giám khảo.
Khoảng 300 đầu bếp với 40 món ăn khác nhau đang cạnh tranh trong cuộc thi nấu ăn toàn quốc kéo dài ba ngày ở Triều Tiên, và những người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng là sách dạy nấu ăn và thiết bị nhà bếp cũng như giấy chứng nhận và huy chương.
Người xem - chủ yếu là phụ nữ mặc áo khoác mùa Đông ấm áp - tập trung quanh các bàn bếp tại địa điểm thi không có máy sưởi, một số người ghi hình các thí sinh bằng điện thoại di động để lấy cảm hứng nấu nướng trong tương lai.
"Ẩm thực Triều Tiên tuyệt vời vì đặc trưng của chúng là những hương vị rõ ràng và tươi mới, và không có bất kỳ cảm xúc lẫn lộn nào," giám khảo Han Jong Guk, một đầu bếp bánh ngọt thương mại cho biết.
"Ví dụ, các món cá có vị cá rất tươi, và các món gà cũng vậy. Đây là đặc điểm chính của ẩm thực Triều Tiên," ông nói thêm.
Nhưng thực tế là bên ngoài những cây cột bằng đá granit của nhà hàng và cuộc sống có nhiều đặc ân của cư dân thủ đô, Triều Tiên vẫn không thể tự nuôi sống mình.
Mặc dù nạn đói những năm 1990, còn được gọi là Cuộc hành quân gian khổ, với hàng trăm nghìn người chết, đã chìm vào quá khứ, sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu và người dân tại đây vẫn thiếu ăn nghiêm trọng.
"Tình trạng mất an ninh lương thực kinh niên và suy dinh dưỡng rất nghiêm trọng," Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã báo cáo như vậy trong tài liệu Nhu cầu và Ưu tiên năm 2019 được công bố tuần này.
Theo FAO, không dưới 43% dân số - tức 10,9 triệu người - bị ảnh hưởng bởi mất an ninh lương thực, trong khi 1/3 số trẻ em không được hưởng chế độ ăn chấp nhận được tối thiểu, và 1/5 dân số bị còi cọc do suy dinh dưỡng mãn tĩnh.
"Mỗi năm, sản lượng lương thực thực phẩm trong nước đều thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn so với nhu cầu," FAO lưu ý thêm.
Cùng với sự thiếu hụt đất canh tác - miền Bắc chủ yếu là núi non - và thiên tai thường xuyên, Liên hợp quốc cũng chỉ ra sự thiếu hụt các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và phân bón.
- Khoai tây chiên với mọi thứ -
Câu trả lời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un: Khoai tây.
Không giống như cây lúa cần môi trường ngập nước, khoai tây vẫn sinh trưởng tốt trên những vùng đất không bằng phẳng và Bình Nhưỡng đang nỗ lực đưa loại cây khiêm nhường này thành nguồn lương thực mũi nhọn.
Ông Kim nhiều lần đã tới thăm một nhà máy sản xuất bột khoai tây. Trong một chuyến thăm hồi năm ngoái, các phóng viên đã ghi lại được cảnh ông cùng các quan chức nằm ngửa trên một núi củ khoai.
Theo hãng tin KCNA, ông Kim nói rằng người dân Triều Tiên cần được phổ biến về "những ưu điểm và hiệu quả" của khoai tây, và "những phương pháp chế biến bột khoai tây thành các món ăn cần được tuyên truyền rộng rãi tới họ."
Cuộc thi nấu ăn tại Bình Nhưỡng là một phần của kế hoạch này.
Trong một căn phòng, những chiếc bàn cọt kẹt được sắp đầy các món ăn làm từ bột khoai tây - pizza, bánh hấp, mì, thậm chí là cả bánh socola.
Ông Kim Kum Hun, thành viên ủy ban trung ương của Hiệp hội Đầu bếp Triều Tiên, người tổ chức cuộc thi là một người đam mê khoai tây.
"Tất nhiên gạo là lương thực chính của chúng tôi, nhưng bánh mì và bột khoai tây cũng có thể trở thành thực phẩm chủ lực," ông chia sẻ với AFP.
Ông giải thích rằng khoai tây cho sản lượng tới 20 tấn một ha, trong khi sản lượng lúa gạo trên cùng diện tích chỉ đạt 10 tấn.
Loại cây củ này cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi được tinh chế thành bột, mang lại cho cả người trồng và nhà chế biến một nguồn tài chính do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang giới thiệu nhiều lực lượng thị trường hơn vào nền kinh tế vẫn còn nghèo nàn sau nhiều thập kỷ quản lý sai lầm.
Bình Nhưỡng cũng đã phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt liên quan tới các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Nhưng Triều Tiên từ lâu vẫn tự hào về khả năng tự túc của mình - một điều có thể làm giảm bớt sức hấp dẫn từ những lời của Tổng thống Trump.
Ông Kim Kum Hun cũng bác bỏ những lo ngại về một quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực lại đi tổ chức một cuộc thi nấu ăn, và khẳng định chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
"Những người ngạc nhiên khi thấy một lễ hội nấu ăn tại đây nghĩ như vậy vì họ không biết rõ về chúng tôi," ông nói.
"Ngay cả khi chúng tôi phải chịu lệnh trừng phạt hay không được viện trợ gạo, cuộc sống của chúng tôi vẫn không bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn có thể sống bằng sức mạnh của sự tự lực."