Tiến sỹ Lại Đức Trường - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, hiện nay công tác phát hiện và điều trị người mắc các bệnh về tâm thần đang có một khoảng trống lớn.
Bởi, tại Việt Nam trong số 13,5 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có đến 70-80% người mắc bệnh chưa được phát hiện bệnh để điều trị. Như vậy, cứ 10 người rối loạn tâm thần chỉ có 2-3 người điều trị, số còn lại chưa được chẩn đoán điều trị.
Tiến sỹ Trường nhấn mạnh như vậy tại hội thảo tham vấn chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030, do Cục Quản lý Khám-Chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.
13 triệu người mắc bệnh tâm thần
Tại hội thảo, tiến sỹ Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-Chữa bệnh cho hay, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới, ước tính gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật và thương tích năm 2008, các rối loạn thần kinh là những nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.
Nghiên cứu cho thấy, có gần 15% dân số - tương đương khoảng 13,5 triệu người Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng.
Theo tiến sỹ Tường, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp gồm: tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy.
Bàn về vấn đề này, tiến sỹ Lại Đức Trường chỉ rõ, một thách thức nữa mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là tình trạng gia tăng số người mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Nhiều người mắc bệnh này do áp lực công việc với cường độ cao, có người làm suốt ngày, với khối lượng công việc lớn mà vẫn không hết. Chính vì vậy họ luôn trong tình trạng căng thẳng triền miên. Bên cạnh đó là nhiều người có vấn đề về sức khỏe tinh thần là do sự phân biệt giàu nghèo đang gia tăng và tình trạng tiêu thụ rượu, bia nhiều.
Nhân lực chăm sóc mỏng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-Chữa bệnh nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng, chống các rối loạn tâm thần, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, không đầy đủ, hệ thống cung cấp dịch vụ không đầy đủ, sự phối hợp, hợp tác liên ngành, đa lĩnh vực thực hiện hiệu quả chưa cao, chính sách thu hút nhân lực về tâm thần chưa phù hợp...
Tiến sỹ Lại Đức Trường tiếp tục chỉ rõ, một gánh nặng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần mà ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt đó là nguồn nhân lực về sức khỏe tâm thần còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Trên toàn quốc hiện nay chỉ có khoảng gần 1.000 bác sỹ chuyên khoa tâm thần, tập trung chủ yếu ở Trung ương và các thành phố lớn, trong khi lượng bệnh nhân quá nhiều như một bài toán khó có thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, cơ chế chi trả cho cán bộ y tế chăm sóc người bệnh tâm thần hiện chưa phù hợp, chưa có chế độ riêng để động viên, khuyến khích cán bộ làm việc trong lĩnh vực này.
Hiện nay, nhiều quốc gia còn thiếu sự cam kết đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hiện tại, Việt Nam là một trong 35 nước chưa có luật về sức khỏe tâm thần.
Tại hội thảo, giáo sư Harry Minas (Đại học Melbourne, Australia), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế, người gắn bó với Việt Nam 20 năm qua trong công cuộc cải thiện sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam đã phân tích và chỉ ra những thách thức đang gặp phải của Việt Nam.
Giáo sư Harry Minas nhấn mạnh, Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn tới vấn đề sức khỏe tâm thần, tuy nhiên cần tăng thêm những cam kết đầu tư để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt cải thiện hệ thống thông tin về sức khỏe tâm thần nhằm đảm bảo chất lượng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.
"Điều đó bao gồm sự cần thiết phải xây dựng bộ luật về sức khoẻ tâm thần, một chính sách quốc gia về sức khỏe tâm thần, cũng như việc thiết lập một đơn vị sức khỏe tâm thần đủ mạnh trong Bộ Y tế,” giáo sư Harry Minas phân tích.
Trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức tâm thần của nhân dân, nhằm giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, Bộ Y tế có kế hoạch xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược nhằm đưa ra định hướng cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện, lồng ghép và dựa vào cộng đồng. Trong đó, sẽ lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe chung. Các bệnh viện đa khoa, nhất là ở tuyến huyện cần cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần thiết yếu cho bệnh nhân sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, việc xây dựng Luật Sức khỏe Tâm thần, thành lập Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần để điều phối liên ngành hiệu quả, và thiết lập đơn vị chuyên trách về sức khỏe tâm thần trong Bộ Y tế là những vấn đề được các đại biểu tại hội thảo nhấn mạnh cần được ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Theo tiến sỹ Trường, hiện nay, hiểu biết của người dân về bệnh vẫn có phần lệch lạc, nhiều người vẫn cho rằng sức khỏe tâm thần là tâm thần phân liệt, điên mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Vì thế vẫn còn hiện tượng kỳ thị, giấu bệnh.
Triệu chứng mắc bệnh tâm thần rất đa dạng, từ mất ngủ, suy nhược thần kinh đến loạn thần. Từ tâm trạng buồn rầu, bi quan, mất tự tin... tới các hành động cười vô duyên cớ, nói lẩm bẩm một mình... cũng báo hiệu dấu hiệu tâm thần.